Ra mắt năm 2009, kênh truyền hình K+ lỗ triền miên từ đó đến nay và “chưa có điểm dừng”.

Kênh truyền hình K+ của Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV) là sản phẩm kết hợp giữa Đài Truyền hình VN và Tập đoàn Canal+ (Pháp).

Kể từ năm 2009, VSTV đã đầu tư hàng chục triệu USD nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn phát sóng cho Trạm phát vệ tinh tại Vĩnh Yên cùng hệ thống hạ tầng quan trọng khác.

Từ một gói kênh duy nhất gồm 23 kênh vào năm 2009, đến nay VSTV đã cung cấp cho người xem hơn 130 kênh trong nước và quốc tế. Số lượng thuê bao tăng trưởng hàng năm. Nếu như năm 2009 K+ chỉ có hơn 95.000 thuê bao thì đến 2015 đã có hơn 800.000 thuê bao.

Doanh thu cũng tăng đều theo cấp số nhân. Theo báo cáo của VTV, sau 6 năm hoạt động doanh thu của VSTV tăng từ 160 tỷ đồng/năm lên 1.269 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi năm VSTV nộp vào ngân sách hơn 100 tỷ đồng thuế VAT, thuế nhà thầu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân.

{keywords}
K+ chưa bao giờ có lãi từ khi ra mắt vào năm 2009

Đáng lẽ, kết quả tăng trưởng ấn tượng ấy có thể giúp K+ đạt điểm hòa vốn vào tháng 6/2015, nhưng báo cáo của VTV gửi Văn phòng Chính phủ mới đây cho biết, năm 2015 kết quả kinh doanh của K+ vẫn lỗ 83 tỉ đồng. Tổng lỗ lũy kế từ 2009 đến hết năm 2015 là xấp xỉ 2.000 tỉ đồng.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2009, chưa bao giờ K+ có lãi mà toàn lỗ.

Ước tính năm 2016, K+ vẫn sẽ chịu lỗ khoảng 12 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) và năm 2017 lỗ 120 tỷ đồng.

"Hiện K+ lỗ gần 2.000 tỷ đồng, khoản vay nợ khoảng 1.800 tỷ đồng. Nếu duy trì tình trạng hiện tại sẽ tiếp tục lỗ trong vài năm tới, kể cả khi có lợi nhuận vì doanh nghiệp phải trả lãi vay hơn 100 tỷ đồng một năm, chưa kể trượt giá ngoại tệ", VTV nhận định.

Năm 2016, số lỗ của K+ có thể giảm. Doanh thu cũng ước đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần so với thời kỳ đầu. Thế nhưng lãnh đạo VTV thừa nhận tương lai của K+ vẫn rất khó khăn trước khoản lỗ lũy kế và nợ vay quá cao.

Các phương án kinh doanh do đơn vị điều hành K+ tính toán đều cho thấy kết quả xấu hơn. “Hoặc phá sản ngay hoặc kéo dài thời gian lỗ mà không có điểm dừng”, VTV cảnh báo.

Lý do dẫn đến tình trạng này của K+, theo VTV, là do vốn hoạt động chủ yếu của K+ là vốn vay (66 triệu USD/86 triệu USD), chiếm 77% trong tổng số vốn đầu tư nên chi phí lãi vay chiếm tỉ trọng lớn.

Mặt khác, thị trường truyền hình trả tiền xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mới và mạnh về hạ tầng kỹ thuật, tài chính như Viettel, MobiFone, FPT.

Bên cạnh đó, theo VTV, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này thiếu lành mạnh, vi phạm bản quyền phổ biến, sức mua của người dân giảm mạnh do tác động của nền kinh tế, tâm lý giá rẻ và miễn phí ăn sâu… cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của K+.

VTV cũng thừa nhận rằng chiến lược kinh doanh truyền hình giá cao không phù hợp với thị trường Việt Nam. Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động kinh doanh chưa linh hoạt, nhạy bén để kịp thay đổi, dẫn đến để mất thị phần vào tay các đối thủ khác.

Đặc biệt, VTV tiết lộ dù là đối tác liên doanh nhưng Đài truyền hình Việt Nam không có vai trò điều hành trong công ty sở hữu K+.

VTV cũng đưa ra nhiều giải pháp để “cứu” K+. Nhưng trường hợp áp dụng mọi giải pháp mà vẫn không đạt được các mục tiêu đề ra, VTV cũng phải tính đến nước cuối cùng là đề nghị thoái vốn nhà nước tại VSTV và có phương án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Hà Duy