Giá điện tăng cao từ tháng 3 gây xôn xao dư luận, là chủ đề nóng trên nghị trường. Nhiều hộ dân phản ánh hiện tượng hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến từ 50% tới 70%. Trong khi chờ đợi điều chỉnh từ Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số gia đình đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay các nhà sản xuất tạm chia hệ thống điện mặt trời thành 3 loại: hệ thống đứng độc lập, hệ thống hòa lưới điện và cuối cùng là loại hỗn hợp.

Về cơ bản, điện sản xuất từ những tấm pin mặt trời, sau khi chuyển đổi sang dòng xoay chiều AC sẽ được sử dụng trực tiếp cho các thiết bị trong nhà như tivi, quạt, đèn chiếu sáng v.v...

{keywords}
Hộ cá nhân gia đình không dễ kiếm lợi ích từ điện mặt trời. Ảnh minh họa

Với hệ thống sản xuất điện mặt trời độc lập, lượng điện sản xuất dư thừa, không sử dụng hết sẽ được tích trữ vào ắc quy để sử dụng sau này. Còn hệ thống điện mặt trời hòa lưới sẽ không có bộ ắc quy trữ điện, điện dư thừa sẽ được đưa vào lưới điện của quốc gia, bán lại cho EVN với giá rẻ. Chính vì không cần phải trang bị ắc quy tích trữ nên hệ thống điện mặt trời hòa lưới có giá rẻ hơn, phù hợp hơn cho các hộ gia đình.

Sau khi tính toán nhu cầu sử dụng, anh Sơn - một khách hàng tại Hà Nội - quyết định đầu tư hệ thống điện mặt trời hòa lưới công suất đỉnh 3Kwp với chi phí khoảng 80 triệu đồng.  Anh hy vọng hệ thống này sẽ cắt giảm đáng kể hóa đơn tiền điện hàng tháng và có thể hòa vốn sau 7-8 năm sử dụng theo quảng cáo của đơn vị lắp đặt.

Tuy nhiên, khi vận hành thực tế, lượng điện sản xuất được lại chưa đạt kỳ vọng nên anh Sơn đang phải gọi công ty cung cấp đến kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân.

Giống như anh Sơn, một số khách hàng khác cũng gặp phải sự cố tương tự, hệ thống điện mặt trời hoạt động không hiệu quả. Ngày sản xuất nhiều, ngày sản xuất ít. Thậm chí còn có nguy lỗ vốn, không bù được chi phí bỏ ra ban đầu.

Trả lời vấn đề này, anh Hoàng Nam, một người có thâm niên lắp đặt và sử dụng điện mặt trời, khuyến cáo:

“Điện mặt trời là một lĩnh vực mới, phức tạp ngay cả với những nhà sản xuất lớn chứ đừng nói tới hộ cá nhân nhỏ lẻ. Trước khi quyết định lắp đặt, cần khảo sát kỹ từ vị trí, thời tiết, tới cả nhu cầu của người sử dụng. Chỉ nên làm khi có biên độ lãi cao”.

{keywords}
Hệ thống pin mặt trời trên nóc một xưởng sản xuất. Ảnh: EVN

Theo anh Nam, để một hệ thống điện mặt trời hoạt động hiệu quả, có lãi thì phải kết hợp cả 2 yếu tố: vị trí lắp đặt và nhu cầu sử dụng.

Đầu tiên, nơi lắp đặt phải thường xuyên có nắng. Do vị trí địa lý nên các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội sẽ không có nhiều nắng như miền Trung hay miền Nam. Vì lý do này, hầu hết các nhà máy sản xuất điện mặt trời mới đặt ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Thông thường, các tấm pin mặt trời được đặt trên nóc nhà, thông thoáng, không có vật cản. Nếu nhà đang ở chỉ có 2 tầng, bị che chắn bởi nhiều nhà cao xung quanh thì cũng không nên lắp đặt.

Các đơn vị cung cấp vì muốn bán được hàng nên mới đưa ra các dữ liệu lý tưởng như số giờ nắng cao, công suất phát điện cao nhưng khi sử dụng thực tế thường bị hao hụt nhiều.

Thứ hai, phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng. Chi phí sản xuất điện mặt trời không hề rẻ. Nếu hộ gia đình bình thường sử dụng ít điện, hóa đơn tầm 1-2 triệu đồng thì không nên lắp điện mặt trời. Hệ thống này chỉ đem lại hiệu quả kinh tế với những hộ đang phải chi trả tiền điện với mức giá cao nhất (2.927 đồng/Kwh chưa tính VAT).

Thứ ba, thời gian sử dụng điện cũng là yếu tố đáng lưu ý. Hệ thống điện mặt trời chỉ sản xuất điện khi có nắng, tầm 7 sáng đến 5 giờ chiều. Nếu một gia đình dù đông người nhưng ban ngày cả nhà đi làm, tối mới về dùng điện thì cũng không tận dụng được hiệu quả. Bởi đối với hệ thống hòa lưới, điện sản xuất ra ban ngày không để dành được đến tối mà phải bán lại cho EVN với mức giá tầm 2.100 đồng cho 1 Kwh. Việc đầu tư ắc quy trữ điện sẽ không kinh tế bởi giá thành bị đẩy lên cao.

Cuối cùng, bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu người sử dụng cũng phải tính đến tiền duy trì bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống hàng năm. Hiệu suất của pin mặt trời cũng sẽ bị giảm đi theo thời gian sử dụng.

Vậy đối tượng nào thích hợp để sử dụng điện mặt trời, kiếm được lợi ích từ nó? Đó là những nhà máy, hộ sản xuất kinh doanh có thời gian sử dụng điện nhiều vào ban ngày, những hộ gia đình ở vùng địa lý có nhiều nắng.

Đối với những hộ dân có mức tiêu thụ điện bình thường, không nên vội vàng đầu tư khi mà chi phí lắp đặt điện mặt trời còn đang ở quá cao.

Ngân Vũ