Những cây anh đào rải khắp đất nước mặt trời mọc đang đồng loạt nở hoa, Nhật Bản khoác lên mình chiếc áo màu hồng nhạt. Vẻ đẹp của loài hoa mong manh luôn có sức hút đặc biệt với du khách thế giới, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người Nhật.

{keywords}
Cùng với núi Phú Sĩ, hoa anh đào được coi là biểu trưng của Nhật Bản.Hoa anh đào kéo khách và tiền về cho Nhật Bản

Phân tích từ Đại học Kansai chỉ ra rằng có khoảng 63 triệu du khách trong nước và quốc tế đi ngắm hoa anh đào nở và họ chi tiêu khoảng 2,7 tỷ USD (301 tỷ yên) cho những chuyến đi này.

Hiện tại, hoa đang bước vào giai đoạn nở rộ nhất cộng với việc khách du lịch tăng mạnh trong hai tháng đầu năm hứa hẹn lượng khách trong năm 2019 của Nhật sẽ lập kỷ lục mới.

Cột mốc cũ đang là 31,2 triệu lượt khách thuộc về năm 2018. Năm 2018, hơn 40% du khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn bên ngoài Tokyo, Nagoya và Osaka.

Đáng chú ý ở Aomori, một ngôi làng xa xôi miền bắc Nhật Bản đã có đến 3,1 triệu khách ngắm hoa anh đào nở và được tạp chí Travel+Leisure xếp là địa điểm hàng đầu để ghé thăm vào tháng 4.

{keywords}
Hoa anh đào ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển du lịch tại Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản khẳng định muốn thu hút 40 triệu du khách nước ngoài vào năm 2020, khi nước này đăng cai tổ chức Thế vận hội. Để đạt được mục tiêu, Nhật Bản đã thoáng hơn với các chính sách thị thực, đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng hạn chế cho các hãng bay giá rẻ.

Có thể thấy, số chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không giá rẻ mỗi tuần đã tăng từ dưới 20 chuyến năm 2007 lên gần 3.000 chuyến trong năm 2018. Ngoài ra, việc đồng yên mất giá lại đang là một lợi thế khiến du khách muốn kéo dài kỳ nghỉ tại Nhật.

Đối với chính phủ, đây còn là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thuyết phục các nhà đầu tư. Theo giáo sư Katsuhiro Miyamoto - Đại học Kansai, tác động kinh tế của hoa anh đào nở đến Nhật Bản là khoảng 5,8 tỷ USD.

Tận dụng triệt để dịp mỗi năm chỉ có… vài tuần

Mùa hoa anh đào nở ở Nhật mỗi năm không giống nhau. Năm nay, hoa anh đào bắt đầu rộ ở Tokyo hôm 27/3 và dự kiến kéo dài tới trung tuần tháng 4. Đất nước mặt trời mọc cũng đã triển khai hơn 600 điểm ngắm hoa trên toàn quốc.

Không chỉ ngắm hoa đơn thuần, những buổi tiệc thưởng hoa được tổ chức dưới tán cây anh đào luôn đem đến sự thích thú nhất định cho du khách quốc tế, người Nhật gọi đó là văn hóa Hanami. Nắm bắt được thị hiếu, nhiều công ty đã tranh thủ thời cơ này để tạo ra những ý tưởng kinh doanh độc đáo.

{keywords}
Nhiều hình thức kinh doanh mới cũng được mở ra để đáp ứng nhu cầu thưởng hoa của du khách.

Những hãng đồ uống như Starbucks, Coca-Cola hay Asahi ra mắt sản phẩm có chủ đề về hoa anh đào. Trong khi đó, UberEats khởi tạo chiến dịch kêu gọi khách hàng dùng dịch vụ này để đặt đồ ăn giao đến tận gốc cây tổ chức tiệc.

Các công ty có trụ sở tại Tokyo, ví dụ Nandemo Yutao lại nhận tổ chức khâu hậu cần cho Hanami. Họ tính phí xấp xỉ 26 USD (3.000 yên) cho mỗi giờ phục vụ, bao gồm trang trí, đồ ăn và thức uống. Yuta Konno, ông chủ của Nandemo Yutao, cho rằng: “Dịch vụ này ngày càng phổ biến, vì vậy mà sự cạnh tranh giữa những nhà cung ứng trở nên gắt gao hơn”.

Hình ảnh hoa anh đào và văn hóa Hanami sau đó lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và thúc đẩy nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước. Chính phủ Nhật Bản chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để kéo khách về những điểm du lịch mới và xa các danh thắng vốn thường quá tải.

Năm ngoái, Nhật Bản đã hợp tác với Instagram để thúc đẩy hashtag #UnknownJapan, khuyến khích người dùng chia sẻ hình ảnh về những điểm đến còn ít được biết tới ở nước này. Theo phát ngôn viên của Instagram tại Nhật - Ryoko Ichimura, đã có hơn 5 triệu du khách nước ngoài chia sẻ những hình ảnh như vậy.

(Theo Bloomberg/ Zing)