Kinh tế Việt Nam chưa bị tác động lớn từ việc Anh rời EU cũng như EU chưa phải là đối tác chiếm tỷ trọng lớn với kinh tế Việt Nam, kể cả thương mại và đầu tư - Bộ trưởng KH-ĐT nhận định.

Tại buổi Đối thoại chính sách đầu tư 2016 diễn ra ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc Anh rời EU đúng là mối quan tâm của cả thế giới. Bộ KH-ĐT cũng đã có phân tích sơ bộ nhằm đánh giá, nhận định từ việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam ra sao.

Ông Dũng nhận định, kinh tế Việt Nam chưa bị tác động lớn trước diễn biến này, cũng như EU chưa phải là đối tác chiếm tỷ trọng lớn với kinh tế Việt Nam, kể cả thương mại và đầu tư.

“Cho nên, việc Anh rời bỏ chưa tác động ngay và không lớn với kinh tế Việt Nam”, ông Dũng đánh giá. 

{keywords}

Tuy nhiên, trong dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vẫn phải theo dõi chặt chẽ quá trình Anh rời EU bởi vì sẽ có những ảnh hưởng mang tính gián tiếp đến Việt Nam. Ví dụ như việc Anh rời EU ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền các nước, trong khi các nước đó lại là bạn hàng lớn về thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Tại buổi họp báo thường kỳ sáng 28/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nhận định, còn quá sớm để đánh giá tác động của việc Anh quốc rời EU tới kinh tế Việt Nam. Hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh Quốc chiếm tỷ trọng không nhiều nên thời gian ngắn trước mắt chưa tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam.

Ông Lâm cho hay, cơ quan này đã nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT về việc nghiên cứu đánh giá tác động của Brexit tới Việt Nam. Cụ thể, sẽ rà soát lại tất cả các dự án đầu tư của Anh vào Việt Nam, nếu Anh quốc thuộc EU thì những chính sách về kinh tế có lợi thế gì, khi rút ra khỏi EU thì có lợi thế gì? Vấn đề xuất nhập khẩu, khi Anh ở EU các thuế suất thế nào, khi rời khỏi thì thuế thế nào? Tổng cục sẽ nghiên cứu kỹ từng nhóm hàng nhập khẩu, xuất khẩu đối với nền kinh tế Việt Nam.

Hà Duy - Nam Hải