50 triệu lao động phải đào tạo lại

Tại một ngân hàng, khi khách hàng tới quầy thì camera sẽ nhận diện được khách hàng là ai. Hệ thống Kiosk sẽ hỏi nhu cầu khách hàng cần giao dịch gì sau đó thông tin sẽ được chuyển cho nhân viên của khách hàng trong vòng 5 giây.

Giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện nhanh chóng khi tới lượt. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn sử dụng ATM để giao dịch tiền mặt... Theo đại diện ngân hàng, gian chờ của khách hàng rút ngắn khoảng 30-40% sau khi ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).

Câu chuyện chuyển đổi số của ngân hàng giúp cho khách hàng có nhiều trải nghiệm mới và được phục vụ tốt hơn. Mặt trái của vấn đề này chính là nhiều nhân viên ngân hàng sẽ mất việc.

{keywords}
Robot đang thay thế nhiều vị trí của ngân viên ngân hàng

Như vậy, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh thì yếu tố công nghệ thay đổi cũng khiến hàng nghìn nhân viên ngân hàng có nguy cơ bị mất việc. Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của 21 ngân hàng cho thấy, trong 9 tháng qua, có tới 10/21 ngân hàng đã tiến hành cắt giảm nhân sự với tổng số lượng sụt giảm gần 9.000 người tại 10 thành viên.

Trong lĩnh vực khách sạn, ảnh hưởng của dịch bệnh, số nhân viên phải tạm nghỉ chiếm đông đảo. Tuy nhiên, họ đang phải gặp áp lực khi công nghệ được ứng dụng tại các khách sạn. Việc sử dụng robot có thể góp phần thu hút du khách đến với nhà hàng, khách sạn trong bối cảnh hiện nay.

Thách thức của lao động trong bối cảnh chuyển đổi số là cảnh báo đã được các chuyên gia phân tích từ lâu. Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, dự báo 2030 sẽ có 1,4 tỷ công nhân không có kỹ năng phù hợp, 1/3 số ngành nghề hiện tại thay đổi do AI, công nghệ thông tin. Đây là vấn đề mà toàn cầu phải đối mặt.

Theo ông Dũng, dự báo đến năm 2025, máy móc sẽ ngang trình độ con người, 43% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động, nhưng cũng có 1/3 doanh nghiệp lại mở rộng lao động. Việc cắt giảm lao động sẽ là trào lưu lớn hơn, dự báo sẽ có 40% lao động phải đào tạo lại, 94% doanh nghiệp yêu cầu kỹ năng mới.

“Không phải bây giờ mới đặt ra nguồn nhân lực kinh tế số. Trước đó, các nước G20 khi bàn về phát triển kinh tế số đã đưa ra 3 nhóm chính sách: tương lai số thế nào? ưu tiên của Chính phủ cho thương mại số ra sao? kỹ năng số trong giáo dục nghề nghiệp. Họ cho rằng kỹ năng số là nhân tố cơ bản để phát triển kinh tế số để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là tổng kết các Bộ trưởng kinh tế G20 trong diễn đàn kinh tế số”, ông nói.

Theo khảo sát, 53% doanh nghiệp Việt Nam không biết kỹ năng cần thiết trong tương lai là gì. Thời gian tới, không chỉ đào tạo cho học sinh sinh viên mà hơn 50 triệu lao động đang làm việc hiện nay phải đào tạo lại để thích ứng với kinh tế số.

Con người là trung tâm

Bàn về nhân lực chuyển đổi số, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm và ASEAN cũng xác định đây là một trong 3 trụ cột.

Vừa qua, Hội đồng giáo dục ASEAN ra mắt để bàn 3 câu chuyện thúc đẩy: Một là thúc đẩy thể chế phát triển nhân lực trong chuyển đổi số. Hai là gắn kết doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào vấn đề đào tạo nhân lực. Ba là vấn đề kỹ năng số.

Khi coi con người là trung tâm có thể tăng GDP lên 2%, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách kỹ năng của người lao động trong 10 năm không được cải thiện thì mỗi năm chúng ta sẽ mất 5.000 tỷ USD. Do đó, kỹ năng không chỉ đơn thuần là vấn đề đào tạo mà còn để phát triển kinh tế.

{keywords}
Người lao động trước thách thức chuyển đổi số

Đặt yếu tố con người có vai trò quan trọng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Số hoá VietinBank, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với câu nói của sếp cũ tôi khi nhắc tới một nhân viên gây thất thoát 1 triệu USD nhưng không bị đuổi việc vì anh ấy có giá trị đầu tư 1 triệu USD”.

Theo ông Lân, một trong những vấn đề quan trọng là làm sao xây dựng được tinh thần chuyển đổi số trong văn hoá doanh nghiệp, tạo dựng được năng lượng nội tại của doanh nghiệp để từ đó luôn cải tiến và thay đổi, luôn đầu tư nguồn lực về con người để đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số.

Bà Dương Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc VinCommerce, tư vấn, với người làm thuê thì hãy chỉ rõ cho họ lý do tại sao phải tham gia quá trình này, tham gia được cái gì? Khi nhân viên họ tự trả lời được câu này thì họ dễ dàng hòa nhập vào quá trình chuyển đổi số, sau đó mới dùng tư tưởng sứ mệnh để dẫn dắt họ. Với nhân viên, hãy cho họ biết lợi ích chuyển đổi số, hiệu suất lao động tăng lên, cuối cùng thì tạo giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp, người lao động được hưởng gì?

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Việt Nam, đưa ra quan điểm, mỗi nhân đều là một cá thể riêng biệt và muốn để có một văn hoá chung thì cực kỳ khó. Bên cạnh truyền bá văn hoá doanh nghiệp thì quan trọng hơn cả là quy trình truyền bá và phải tác động đến thường ngày.

Đưa ra giải pháp đào tạo nguồn lao động trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, về phía người lao động, cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng kỹ năng mới trong thế giới đang thay đổi. Bản thân người lao động xác định lỗ hổng trong kiến thức hiện tại để bổ trợ cần thiết, học hỏi đồng nghiệp để thêm kỹ năng

Với cơ sở đào tạo, chuyển đổi số là cơ hội để thay đổi, là vấn đề sống còn, có kế hoạch thu hút giảng viên, chương trình học liệu số để phát triển kỹ năng số. Phối hợp chặt giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Học sinh sinh viên cần nhận thức rõ nghề nghiệp tương lai của mình để có kế hoạch nghề nghiệp, phát triển kỹ năng thông qua chương trình đào tạo của nhà trường, tìm kiếm thông tin và phát triển kỹ năng của mình.

Các nhóm này cộng tác với nhau để tạo nên sự chuyển đổi số thành công trong giáo dục đào tạo nói riêng và chuyển đổi số thành công nói chung.

Bảo Anh