Hình hài công nghiệp “made in Vietnam”

Vừa vận hành một nhà máy sản xuất thiết bị điện quy mô 600 tỷ đồng cách đây ít lâu, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, hào hứng với quá trình nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất những sản phẩm trước đến nay phải nhập khẩu. Hiện nay, Điện Quang còn đầu tư xưởng sản xuất bo mạch điện tử cho đèn và các thiết bị điện khác với 8 dây chuyền. Bới nếu không sản xuất được thì phải nhập từ nước ngoài về lắp rắp

Ông Hưng chia sẻ: "Ai cũng muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh được chủ động. Nếu làm tốt, số lượng lớn có thể góp phần giảm giá thành sản phẩm. Bản thân Điện Quang có nhu cầu chip rất lớn cho nên chúng tôi đầu tư trước 1 dây chuyền này. Theo đúng kế hoạch, chúng tôi sẽ đầu tư 6 dây chuyền. Lúc đó công ty không chỉ cung cấp chip cho công ty mà cả các doanh nghiệp trong nước khác".

{keywords}
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Ảnh: Lương Bằng

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo lãnh đạo Điện Quang, cần cả hai vế. Một là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Hai là có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Việc đặt nhà máy tại khu công nghệ cao TP.HCM, theo ông Hưng, cũng chính là một sự hỗ trợ của Nhà nước khi được miễn thuế thu nhập doanh nhập 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, việc đặt nhà máy tại đây giúp việc đi lại thuận tiện, hạ tầng trong khu công nghệ cao cũng đảm bảo đồng bộ.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp có ý thức hơn về việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, trăn trở xây dựng những sản phẩm mang đậm dấu ấn doanh nghiệp Việt.

Vốn là một nhà thầu xây dựng, nhưng vài năm gần đây Tập đoàn Amaccao cũng mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, sản xuất thiết bị chiếu sáng, van đồng, ống nhựa,... Ông Tô Văn Nhật, Tổng giám đốc Tập đoàn Amaccao, chia sẻ: “Khoảng 7 năm về trước, chúng tôi trăn trở, tại sao rất nhiều người giàu Việt Nam mua sản phẩm ở châu Âu rất đắt tiền mà mình lại không sản xuất được? Làm thế nào để đưa công nghệ châu Âu về Việt Nam sản xuất ra các sản phẩm tương tự, giữ lại đồng đô la cho đất nước? Và chúng tôi đã tiến hành xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để sản xuất”.

"Chúng tôi muốn có những sản phẩm 'thương hiệu Việt' có chất lượng mang tầm quốc tế. Chỉ có uy tín và chất lượng, doanh nghiệp Việt mới làm thay đổi quan niệm đóng đinh bao lâu nay trong không ít người rằng “hàng châu Âu tốt hơn hàng Việt”, ông Nhật chia sẻ.

Sau một thời gian chững lại, những tên tuổi của ngành công nghiệp Việt Nam chỉ còn "một thời vang bóng", giờ đây nhiều gương mặt mới trong ngành công nghiệp đã xuất hiện. Trường Hải, Vinfast, BKAV, Hòa Phát,... đã tạo ra một diện mạo mới của ngành công nghiệp chế biến chế tạo với các sản phẩm như ô tô, điện thoại thông minh,...

Tuy nhiên, chặng đường để những doanh nghiệp ấy đi vẫn còn rất dài, để thành công đòi hỏi tốn nhiều tiền của, công sức, và phải có sự đồng hành của chính sách. Bởi nền công nghiệp trong nước vẫn còn nhỏ bé, yếu ớt, những vật tư linh kiện làm ra ô tô, điện thoại vẫn phụ thuộc vào khối FDI và nguồn nhập khẩu (đọc thêm tại đây)

{keywords}
Có nhiều doanh nghiệp công nghiệp mạnh, Việt Nam có cơ hội thoát phận làm thuê. 

Trong khi đó, phát triển công nghiệp còn chịu nhiều thách thức vô hình từ việc coi nhẹ vai trò của ngành công nghiệp. Gần đây, có ý kiến cho rằng vai trò của ngành sản xuất chế biến chế tạo đã giảm đi và dịch vụ sẽ là động lực cho phát triển kinh tế nhờ các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Có nền công nghiệp mạnh, đất nước mới phát triển

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc trung tâm Phát triển hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) không đồng tình với nhận định “vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm đi”.

“80% thương mại thế giới giữa các khu vực hiện nay vẫn là thương mại hàng hóa, nghĩa là chỉ có 20% thương mại toàn cầu là về dịch vụ”, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy dẫn số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trong bài nghiên cứu về “Cách tiếp cận đối với ngành sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới”, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cho rằng: Trong suốt lịch sử phát triển của các nền kinh tế, ngành sản xuất chế biến chế tạo đã chứng minh được tầm quan trọng của nó trong quá trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế. Từ sự trỗi dậy của Anh trong thế kỷ 19, đến sự trỗi dậy của Mỹ, Đức, Nhật vào giữa thế kỷ 20, đến các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan vào cuối thể kỷ 20, và gần đây là Trung Quốc.

Sự thành công của các quốc gia này trong quá trình công nghiệp hoá, trở thành nước có thu nhập cao là bằng chứng cho thấy sản xuất chế biến chế tạo là con đường phát triển, là chìa khoá để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Ở các nước công nghiệp, dù là nước đã phát triển từ lâu hay mới nổi, ngành sản xuất chế biến chế tạo luôn đóng góp trên 20% trong GDP.

Cụ thể, năm 2018, khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Trung Quốc chiếm 29,4% GDP, Đức 20,4%, Nhật Bản 20,7%, Hàn Quốc 27,2%, Malaysia 21,5%, Thái Lan 26,9%, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 16%. Tuy nhiên ở đây cần lưu ý các cơ sở sản xuất khu vực chế biến chế tạo của các nước phát triển được dịch chuyển, hoạt động ở nước ngoài vì vậy trên thực tế khu vực chế biến chế tạo các quốc gia này lớn hơn rất nhiều.

Tóm lại, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của khu vực sản xuất. Một quốc gia/nền kinh tế quy mô nhỏ như Singapore hay Hong Kong, do hạn chế về nguồn lực, cũng như có những ưu lợi thế về địa lý và nhờ các yếu tố lịch sử mang lại nên có thể tập trung nhiều hơn vào dịch vụ và phụ thuộc vào nền sản xuất của các quốc gia khác.

“Nhưng với một nền kinh tế quy mô khoảng 100 triệu dân, với cơ cấu dân số trẻ, vẫn còn gần 70% dân số ở khu vực nông thôn, muốn độc lập, tự chủ, thịnh vượng, thì nền kinh tế đó phải có một ngành sản xuất chế biến chế tạo phát triển lớn mạnh để quá trình hiện đại hoá và đô thị hoá đất nước diễn ra nhanh và bền vững”, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy chia sẻ.

Lương Bằng

Nhập khẩu từ sợi vải đến khung sắt, phận làm thuê trên quê hương mình

Nhập khẩu từ sợi vải đến khung sắt, phận làm thuê trên quê hương mình

Nếu làm được thép nóng, làm được sợi, vải, phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo... chúng ta sẽ làm chủ được nền tảng sản xuất, quyết định sự thịnh vượng của quốc gia.