Bay vượt bão nhưng không gãy cánh

Hàng không và du lịch là hai ngành thiệt hại nặng nề nhất vì Covid-19. Tổng kết mới nhất cho thấy, 2020 là năm thảm hoạ với hàng không và du lịch.  

Sản lượng bay giảm hơn một nửa so với 2019 khi các hãng chỉ vận chuyển 424.000 chuyến, giảm 548.000 chuyến. Lượng khách đạt 66 triệu, giảm 43,5% so với năm ngoái. Kéo theo các hãng hàng không thua lỗ hàng hàng chục nghìn tỷ đồng. Vietnam Airlines lỗ hợp nhất 14,4 nghìn tỷ đồng phải cầu cứu Chính phủ hỗ trợ, Pacific Airlines lỗ 1.200 tỷ đồng...

Với du lịch, dịch bệnh thổi bay 19 tỷ USD doanh thu từ du khách. Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. 

Thê thảm hơn, 90-95% trong số 3.339 DN lữ hành đã tạm dừng hoạt động. Nhiều công ty bị phá sản, một loạt phải chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú mà công suất phòng chỉ đạt 20-25%. Nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa, bán rẻ vì không cầm cự nổi.

{keywords}
Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh sau mỗi đợt giãn cách xã hội

‘Tê liệt’ hay ‘gãy cánh’, rồi ‘bay trong bão’ là những từ thường được nhắc đến nhưng vẫn chưa lột tả hết thiệt hại trầm trọng của những ngành này.

Khó khăn còn kéo dài, nhưng ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - lại suy tư rất khác: “Vào lúc này, nếu vẫn còn ngồi suy tính về thiệt hại từ dịch bệnh thì đã có phần lạc nhịp với thực tiễn”. Bởi trong mắt ông Quyết, chính hàng không và du lịch là hai ngành có sức bật rõ rệt nhất, với sự hồi phục đáng kinh ngạc. 

Những người trong ngành không thể quên những thời điểm, khi nước ta xuất hiện dịch bệnh, phải giãn cách sự rồi đến cách ly toàn xã hội. Cùng với đó là đổ dốc của lượng khách du lịch, các chuyến bay và cuối cùng là đóng băng hoàn toàn. Nhưng sau mỗi đợt chặn dịch thành công, sự hồi sinh lại mạnh mẽ hơn. Du lịch lại đông khách, đường bay nội địa lại kín chỗ. Các doanh nghiệp, địa phương lập tức đồng lòng bước vào triển khai những đợt kích cầu hiếm có. 

Một chuỗi sự kiện lớn như Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” ngày 16/5; diễn đàn "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế" ngày 30/5 hay hội nghị “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới” ngày 12/9;  hội thảo “Du lịch Quảng Ninh - Nội lực miền di sản” ngày 24/10... được FLC liên tiếp tổ chức gắn kết các DN, địa phương.

Tại các địa danh nổi tiếng như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quy Nhơn... liên tiếp tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút khách nội địa. Quảng Ninh chi cả 100 tỷ đồng trong năm nay để kích cầu du lịch nội địa, Phú Quốc đã thuê KOL - những nhân vật có ảnh hưởng lớn - để quảng bá du lịch địa phương một cách mới lạ, hấp dẫn.  

Thông qua các diễn đàn, nhiều sản phẩm du lịch mới chất lượng cao được được công bố; nhiều giải pháp thiết thực và khả thi được đề xuất, nhiều chương trình liên kết kích cầu được triển khai rộng rãi, tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc hình thành những sản phẩm du lịch nội địa chất lượng. 

{keywords}
Trong khó khăn, hãng hàng không vẫn mở đường bay mới

Tương tự, sau mỗi đợt dịch được khống chế, khách nội địa lại tăng lên, hàng nghìn chuyến bay đã được khôi phục. Sau hai đợt giãn cánh, các hãng hàng không chứng kiến sự hồi phục gần như 100% trên các tuyến bay nội địa. Thậm chí, nhiều hãng mở các tuyến mới và lập tức đông khách.

Cuối tháng 9/2020, Bamboo Airways bắt đầu khai thác 3 đường bay thẳng từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng tới Côn Đảo. Không ai ngờ, ngay sau cao điểm dịch bệnh, đường bay mới lại được nhiều người quan tâm đến thế. Một tuyến bay vốn “độc quyền’, luôn khó mua vé đã thay đổi hoàn toàn để người dân dễ dàng đến với Côn Đảo, kích thích du lịch địa phương phá.

Đại diện BamBoo Airways cho biết, qua mỗi đợt dịch hãng nhanh chóng khôi phục nhanh chóng toàn bộ mạng bay nội địa. Thậm chí, khai thác vượt 10% tổng số chuyến bay và số lượt khách so với cùng kỳ trong năm 2019, dẫn đầu bảng thống kê các hãng phục hồi và vượt công suất khai thác sau dịch bệnh. Hiện hãng đang chiếm giữ gần 20% thị phần và mới nhất hãng đã được cấp phép bay thẳng đến Mỹ để chuẩn bị cho chuyến xuyên đại dương trong năm mới. 

Trong bão táp, Vietravel Airlines vẫn quyết liệt cất cánh khi chính thức ra mắt ngày 26/12. Ban đầu, Vietravel Airlines tập trung khai thác mảng nội địa, với 8 đường bay chính bắt đầu từ 1/2021. Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines, chia sẻ hãng kỳ vọng sau 2 năm sẽ có lãi. 

Vững bước và chung tay

DN khó khăn và phải giảm giá - kích cầu nội địa. Tuy nhiên, theo ông Quyết, “kích cầu” ở đây không đơn thuần chỉ là giảm giá mà còn là sự gia tăng thêm quyền lợi và giá trị cho du khách thông qua chuỗi liên kết, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhu cầu mới để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Bởi vì, “nếu kích cầu chỉ chạy theo giá rẻ, bỏ bê chất lượng, mạnh ai nấy làm mà không có sự liên kết dịch vụ, đồng bộ về chính sách, thì đây lại là cuộc đua không có lợi về lâu dài cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. mạnh”. 

{keywords}
Hàng không - du lịch liên kết kích cầu du lịch

Bàn về điều này, chuyên gia từ VCCI cũng nhấn mạnh, việc tiếp cận được khách hàng vẫn luôn là bài toán khó nếu doanh nghiệp chỉ “đơn thương độc mã” chiến đấu. Trong đại dịch, việc đó càng khó hơn, vì thế chấp nhận chia sẻ lợi ích, giữ vững chất lượng thì việc liên kết, siết chặt tay nhau là cách duy nhất để vượt qua khó khăn.

Là người trải đủ khó khăn của cả du lịch, hàng không và đang gắng sức cho một công cuộc hồi phục, ông Quyết tâm sự: “Có được dấu ấn đặc biệt trong năm 2020, bên cạnh sự quyết liệt của từng doanh nghiệp thì điều đáng để nói tới là chưa khi nào sự gắn kết giữa DN mạnh mẽ như lúc này”. 

Hồi tháng 9, để kéo người dân TP.Hồ Chí Minh đi du lịch và thu hút người dân các địa phương khác tới Sài Gòn, Sở Du lịch TP.HCM đã quyết định liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh ĐBSCL, 5 tỉnh Đông Nam Bộ, 8 tỉnh Tây Bắc, 8 tỉnh Đông Bắc và 5 tỉnh miền Trung. Các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng,... cũng tổ chức hợp tác, liên kết để có những sản phẩm tour độc đáo với giá hấp dẫn nhất.  

Đặc biệt, qua hai lần kích cầu, sự gắn kết chặt chẽ giữa lữ hành và hàng không trong việc ưu đãi giá vé, góp phần để các công ty lữ hành xây dựng và tung ra hàng nghìn tour kích cầu với mức giá giảm 30-50% như là một “bảo bối” kéo khách đi du lịch.

“Đó là cách kích cầu du lịch bằng cách liên minh, liên kết”, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Võ Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh. 

Giữa lúc hàng hóa, sản phẩm nông sản, rau củ bế tắc đầu ra, 1.000 DN sản xuất, phân phối, kinh doanh các mặt hàng từ nông sản, hàng tiêu dùng gia dụng, sản phẩm khẩu trang, cho tới dịch vụ nghỉ dưỡng... hồi tháng 4 năm nay cùng nhau cam kết giảm ít nhất 15% giá bán, trong đó có rất nhiều hàng hoá thiết yếu để cùng chung tay chia sẻ, vượt khó thời đại dịch.

Ông Quyết chia sẻ, năm 2019 ông từng có lần nói về sự liên kết còn lỏng lẻo giữa các DN, như những chiếc đũa riêng lẻ và yếu ớt có thể làm suy yếu sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Năm nay, chúng ta đã chứng kiến những bất đồng (nếu có) đã bước đầu được xếp lại, các DN sẵn sàng ‘bắt tay’ với chung một mục tiêu, một nhiệm vụ là đồng lòng vượt qua thách thức, đón lấy thời cơ khi nền kinh tế xã hội đang dịch chuyển. Đây chắc chắn là một điểm sáng để khu vực kinh tế này sẽ ngày càng tiến xa hơn nữa, song hành cùng tiến trình phát triển của đất nước.

“Trong những hoàn cảnh khó khăn, nếu đặt mục tiêu lớn nhất là phải sống thì khả năng lớn nhất cũng chỉ có thể là tồn tại. Nhưng nếu đặt mục tiêu là bứt phá, thì ngoài việc tồn tại còn có thể tạo ra những vận hội chưa từng có. Trên hành trình đó, chắc chắn sẽ có nhiều cảm hứng và thử thách cho các doanh nhân Việt Nam”, ông Quyết tâm sự.

Mai Khôi