- Phó Tổng giám đốc Tcty Điện lực Miền Bắc chia sẻ với Góc nhìn thẳng, muốn giảm tổn thất điện năng, cần nhất là sự đồng bộ trong đầu tư và vận hành hệ thống điện, từ khâu quy hoạch cho đến khâu phân phối.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Giảm tổn thất điện năng đang là vấn đề cấp bách của ngành điện, vừa góp phần để nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng điện, vừa góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và qua đó, giảm áp lực lên giá điện.

Không ít ý kiến cho rằng, tổn thất điện năng lớn, đã dẫn tới người tiêu dùng phải chịu một mức giá điện cao. Mục tiêu trong 5 năm tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phải giảm tỉ lệ này từ mức 7,94% xuống còn 6,5%, trong đó riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ phải giảm xuống 5%, là mục tiêu không dễ dàng. Đây cũng là đơn vị đang chịu tỉ lệ tổn thất điện năng lớn nhất trong 6 đơn vị.

Để tìm hiểu sâu về vấn đề này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã công bố tỉ lệ tổn thất điện năng năm 2015 là 7,94%, đạt xuất sắc chỉ tiêu của Thủ tướng giao là giảm tỉ lệ này xuống dưới 8%. Tuy nhiên, trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc lại đang gánh một mức tổn thất điện năng lớn nhất, lên tới 6,68%. Ông có thể lý giải vì sao lại có tình trạng như vậy?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng tình với vế đầu tiên của câu hỏi nhà báo đưa ra. Đó là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa tỉ lệ tổn thất điện năng vào năm 2015 xuống 7,94% và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Chính phủ đề ra. 

Nhưng vế thứ hai, tôi cho rằng để so sánh như vậy thì hơi khập khiễng và chưa thỏa đáng đối với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, bởi vì tỉ lệ tổn thất điện năng gắn trực tiếp với hệ thống điện, lưới điện của đơn vị được quản lý. Ví dụ, chúng tôi có một số những yếu tố bất lợi với lưới điện của miền Bắc để nhìn ra con số 6,68% có ý nghĩa như thế nào?

Thứ nhất, Tổng công ty Điện lực miền Bắc chịu trách nhiệm quản lý đầu tư, vận hành và bán điện trên địa bàn của 27 tỉnh, khu vực phía Bắc trừ Thủ đô Hà Nội.

 Với 13 tỉnh đã nằm ở khu vực trung du miền núi, nơi rất bất lợi về yếu tố tổn thất điện năng và bán điện cho hơn 9 triệu khách hàng. Quy mô về lưới điện của chúng tôi đang là lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối. 

Chỉ tính riêng lưới điện 110 kV, đường dây đã dài trên 8.000 km và trên 200 trạm biến áp 110 kV. Cùng đó, chúng tôi còn có hàng trăm ngàn km đường dây trung hạ áp, hơn 40.000 trạm biến áp phân phối nữa, trong khi đó, tổn thất điện năng ở mức nào cũng phụ thuộc vào quy mô của lưới điện.

Thứ hai, tổn thất điện năng còn phụ thuộc chất lượng và trình độ, công nghệ của lưới điện. Lưới điện ở miền Bắc được hình thành sớm hơn. Hiện nay, trên địa bàn chúng tôi còn rất nhiều công trình đã được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước chưa được cải tạo đầy đủ  nên lưới điện khá cũ kĩ.

Đặc biệt, trong năm 2008 đến 2015, riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp nhận lưới điện hạ áp ở khu vực nông thôn, xấp xỉ 4.000 xã, chính xác là 3.985 xã, với mức tổn thất điện năng khi tiếp nhận dao động từ 20 – 25%, có nơi lên đến 40%. 

Trước năm 1995, khi chuẩn bị thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam - Tập đoàn Điện lực Việt Nam bây giờ thì tỉ lệ tổn thất của Công ty Điện lực 1 – bây giờ là Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã xấp xỉ 20%. Đến năm 2015, tỉ lệ tổn thất điện năng giảm xuống còn 6,68%. Và còn những vấn đề khác nữa, về địa bàn, về khoảng cách, rồi về cơ cấu phụ tải.... Nhìn cả một quá trình như vậy thì mới thấy những nỗ lực của cán bộ công nhân viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc như thế nào trong việc giảm tổn thất điện năng.

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, như ông chia sẻ thì tỉ lệ tổn thất điện năng có lý do từ tổn thất kĩ thuật. Tuy nhiên, rất nhiều người dân cho rằng, vấn đề tổn thất điện năng còn có lý do là quản lý của ngành điện lỏng lẻo, còn để xảy ra tình trạng trộm cắp điện – tức là tổn thất thương mại. Xin ông cho biết, tổn thất thương mại như vậy thì có ảnh hưởng như thế nào đến tổn thất điện năng hiện nay?

{keywords}
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tcty Điện lực Miền Bắc
trao đổi với Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet)

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Tôi lại phải bàn thêm về từ quản lý lỏng lẻo và từ trộm cắp điện bạn vừa nêu. Nói như thế, cũng chưa thỏa đáng với cả hai phía, cả bên quản lý lưới điện và bên khách hàng sử dụng điện. 

Câu nói này đúng ở những thập kỉ 90 của thế kỉ 20, khi đó đúng là có hiện tượng như vậy, trộm cắp điện xảy ra rất nhiều. Còn nhớ những năm 1991, 1992 tại thành phố Hải Phòng tỉ lệ tổn thất điện năng đã lên tới 59%, cao nhất nước rồi. Lúc đó, đúng là có cả yếu tố buông lỏng quản lý, cả yếu tố về sử dụng điện là vi phạm.

Thế nhưng mà bây giờ, bình tâm lại, thời điểm này, có thể nói công tác quản lý của ngành điện đã được nâng lên rất nhiều. Ví dụ, trải qua nhiều năm, ngành điện đã nâng cao chất lượng, trình độ quảng lý. Công nghệ của lưới điện từng bước được hiện đại hóa. Rồi ngay cả những việc liên quan đến vi phạm sử dụng điện thì giờ cũng đã được ngăn chặn đáng kể bằng các biện pháp kỹ thuật.

Đơn cử như việc lắp đặp công tơ đo đếm điện, chúng tôi đã khuyến nghị với nhà cung cấp chế tạo công tơ chống quay ngược, dù anh có ăn cắp thì nó vẫn quay xuôi, rồi tiến tới công tơ điện tử có gắn cảnh báo về hiện tượng trộm cắp điện.

Đối với người dân cũng vậy, tôi cho là, ý thức sử dụng điện đã tăng lên rất nhiều. Những vụ trộm cắp điện tuy vẫn còn, không phải không có nhưng không mang tính phổ biến. Nó đi vào những hành vi tinh vi hơn, đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường công tác quản lý lên rất nhiều. Nói nhanh gọn là như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông có thể nói rõ hơn, hiện nay tình trạng trộm cắp điện hay nói cách khác là tổn thất phi kĩ thuật chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Hiện nay, chúng tôi không tính được tổn thất phi kĩ thuật, tuy nhiên qua những việc phát hiện, xử lý các vi phạm như vậy, thì các vi phạm này chỉ khoảng dưới 0,1%.

{keywords}
Để giảm tổn thất điện năng, ngành điện cần đầu tư
và cải tạo đồng bộ hệ thống lưới điện (ảnh: theo EVN)

Nhà báo Phạm Huyền: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt mục tiêu trong 5 năm tới giảm tổn thất điện năng xuống 6,5 % và Tổng công ty điện lực miền Bắc sẽ phải giảm xuống mức là 5%. Khoảng cách giảm tỉ lệ tổn thất điện năng của Tổng công ty là rất lớn, 1,68%. Với một nền tảng hệ thống điện lưới đang cũ kĩ thì Tổng công ty điện lực miền Bắc làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu như vậy?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Tôi nghĩ như thế này, có thể con số là 5% là con số áp lực lớn đối với Tổng công ty Điện lực miền Bắc chúng tôi khi mà tỉ lệ tổn thất điện năng bắt đầu tiệm cận vào tổn thất kỹ thuật rồi. Lúc đó, chúng tôi chỉ còn cách nâng cao toàn bộ chất lượng, trình độ và công nghệ của lưới điện đó, hiện đại lưới điện đó lên, rồi tăng cường các biện pháp quản lý. 

Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nói là giảm tổn thất điện năng là hiệu quả tổng hợp của rất nhiều các nhóm giải pháp khác nhau. Do vậy, chúng tôi không muốn dùng từ "đột phá" về giải pháp, bởi đây là câu chuyện bền bỉ của toàn bộ hệ thống điện chứ không phải là câu chuyện của một khúc nào đó. 

Ở đây tôi thích dùng từ "đồng bộ" hơn. Ví dụ, chúng ta đồng bộ giữa các khâu trong hệ thống, từ phát điện cho đến truyền tải, đến phân phối. Nếu có nhà máy mới đi vào vận hành nhưng lưới điện truyền tải chưa đồng bộ theo thì cũng bị chịu ảnh hưởng tổn thất, truyền tải không đồng bộ mà phân phối không đồng bộ nữa thì ảnh hưởng tất cả dây chuyền đó.

Cái nữa là, anh đồng bộ từ khâu quản lý dầu tư cho đến vận hành, cho đến kinh doanh, rồi đồng bộ ngay trong từng khâu. Ví dụ, khâu đầu tư chẳng hạn, đồng bộ trong lựa chọn các dự án đầu tư làm sao tối ưu nhất, hiệu quả cao nhất. Hay trong khâu tổ chức, quản lý thi công thì việc quản lý dự án làm sao phải tốt nhất, đảm bảo tiến độ nhất, rồi đồng bộ với cả chất lượng các vật tư thiết bị được đưa vào công trình đầu tư đó. 

Cuối cùng, sự đầu tư, quản lý một cách đồng bộ đó sẽ tạo hiệu quả cho công tác vận hành hệ thống điện, phát huy hiệu quả trong công tác kinh doanh điện. 

Muốn nói gì thì nói, việc đầu tư của ngành điện không tách bóc ra được là đầu tư để dành cho giảm tổn thất mà đầu tư của ngành điện bao giờ cũng mang ý nghĩa tổng hợp. 

Tại Tổng công ty miền Bắc, đến năm 2020, chúng tôi sẽ phải đáp ứng nhu cầu tăng trưởng với mức điện thương phẩm cỡ 83 tỷ kWh. Năm 2016 này, điện thương phẩm ước là 51 tỷ kWh.

Vậy thì, chúng tôi sẽ phải nâng cao trình độ công nghệ của lưới điện lên, hiện đại hóa nó lên, đảm bảo độ tin cậy, cung ứng điện để đạt được các mục tiêu đó. Cụ thể như, năm 2016, Tổng công ty miền Bắc có chỉ số về thời gian mất điện của một hộ khách hàng trung bình trên một năm là trên dưới 1.000 phút, nhưng đến 2020 chỉ tiêu của chúng tôi là 511 phút. Tổn thất điện áp từ 6,68% hiện nay phải về 5% vào năm 2020. Như vậy, việc đầu tư quản lý đồng bộ thì sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp như vậy, trong đó, có việc giảm tổn thất điện năng.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, tổn thất điện năng lớn thì sẽ ảnh hưởng đến giá thành điện, dẫn tới giá điện cao. Theo tư duy logic của người dân thì giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống thì cũng góp phần giảm được giá điện. Ông có thể cho biết, tới đây khi tổn thất điện năng giảm xuống thì người dân có được hưởng lợi ích như là giảm giá điện hay không?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Về giá điện, chúng ta phải bàn thêm, bởi vì đường cong giảm tổn thất ngược với đường cong về đầu tư, anh muốn giảm tổn thất, anh phải tăng cường đầu tư. 

Nhưng ở các nước, người ta xây dựng điểm bão hòa hợp lý nhất. Ví dụ, anh dừng tổn thất ở điểm này thì anh đầu tư từng này là hợp lý. Theo đó, phải đạt được mấy yếu tố: thứ nhất, chất lượng cung cấp điện cho khách hàng phải đảm bảo, cả về số lượng và chất lượng điện; thứ hai là dịch vụ cho khách hàng phải đảm bảo; thứ ba là giá cả hợp lý, khách hàng chịu đựng được. 

Cho nên nói về giảm tổn thất thì ý nghĩa đầu tiên chính là khách hàng được hưởng lợi như được cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, chất lượng điện tốt hơn, nhưng về giá thì còn phụ thuộc vào mức độ anh đầu tư vào công nghệ của lưới điện, khách hàng phải chấp nhận được. Chứ tôi không dám nói là tăng hay giảm giá điện. 

Nói cách khác, không thể suy luận theo logic là giảm tổn thất điện năng thì giảm giá điện. Vì giảm tổn thất thì anh phải đi kèm với đầu tư, mà đầu tư như vậy thì vào giá điện thôi.

Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn ông đã trả lời báo điện tử VietNamNet!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Clip: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Đức Yên

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Tin khác: