- Thế giới đã đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, Việt Nam vẫn kẹt ở bậc thứ 2, cơ giới hoá, lắp ráp... Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói, cần tránh làm kế hoạch phát triển công nghiệp viển vông, quá tầm tay.

Nỗi lo hậu công nghiệp hoá đến sớm

Những thách thức về phát triển công nghiệp Việt Nam tiếp tục được xới xáo tại hội thảo về chính sách công nghiệp quốc gia, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây.

"Chúng ta đang phải đối mặt với hậu công nghiệp hoá quá sớm", ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, nhận định.

Theo nghiên cứu của Ban Kinh tế TƯ, thực lực nền công nghiệp Việt Nam vẫn gắn với hai chữ "thấp" và "yếu". Chính sách vẫn thiếu tầm nhìn dài hạn và có tính khả thi, ở một số nơi lại chịu ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu nên việc triển khai ở địa phương, các cấp ngành thụ động, chậm trễ.

{keywords}
Công nghiệp Việt Nam cần lựa chọn ngành ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh (ảnh: Phạm Huyền)

Ngoài năng suất thấp, sản xuất thiếu bền vững, ông Bình bày tỏ sự lo ngại khi nền công nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại (FDI). Sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thiếu chặt chẽ và tỷ lệ nội địa hoá ở chính các doanh nghiệp FDI vẫn không cao.

Hiện, FDI đang chiếm 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.

Với vị trí áp đảo, nhưng FDI đến Việt Nam là 80% có công nghệ trung bình so với thế giới, 14% có công nghệ lạc hậu và chỉ có 6% có công nghệ cao.

Ông Bình cũng cho biết, công nghệ mới ở các doanh nghiệp FDI chủ yếu do công ty mẹ cung cấp, nằm trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ cục bộ nên không mang lại nhiều lợi ích cho DN Việt Nam.

Một nghiên cứu của Bộ KH-CN cho thấy, phần lớn DN vẫn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Trong đó, 76% thiết bị máy móc dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài đều thuộc thế hệ những năm 1960-1970. 75% số thiết bị này đã hết khấu hao và 50% thiết bị hiện nay là được tân trang.

Hệ quả, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam hiện quá thấp, kém xa các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore,.. và chỉ cao hơn Philipines và Campuchia.

Đồng cảm với nỗi lo ngại này, GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) nhìn nhận, Việt Nam có 2 lợi thế là nước đi sau và có cơ cấu dân số vàng, nhưng đã không phát huy được.

Có nhiều điều đáng tiếc được vị giáo sư nêu ra, như việc Hàn Quốc, Nhật Bản có mức thu nhập bình quân 30.000 USD/người mới chuyển sang thời kỳ hậu công nghiệp hoá, thì nước mới như Việt Nam, chỉ thu nhập trung bình chỉ gần 3.000 USD/người, đã có dấu hiệu chuyển sang thời kỳ này. Khi 8/10 người ở Nhật làm giàu lên nhờ đầu tư công nghiệp thì ở Việt Nam, lại chỉ tập trung cho bất động sản, thương mại.

Do vậy, hiện, Việt Nam mới ở thế hệ công nghiệp hoá thứ 6.

{keywords}

Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng

Với TS. Vũ Thành Tự Anh, Trưởng Khoa Chính sách công và quản lý của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, khi thế giới đã đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 thì Việt Nam vẫn bị kẹt ở bậc thứ 2, ở giai đoạn cơ giới hoá và lắp ráp, gia công.

Đằng sau sự thành công của Samsung, Intel, Canon,... với những con số xuất khẩu hàng chục tỷ USD cho Việt Nam thì vẫn là lắp ráp, nhập khẩu. Giá trị gia tăng ở Việt Nam chỉ có 8% đối với Samsung và 3% ở Intel.

Tìm lối thoát cho thế kẹt

Câu hỏi lớn đặt ra:, làm thế nào để Việt Nam thoát khỏi thế kẹt trên, tránh được nguy cơ lạc hậu như vậy?

GS. Trần Văn Thọ cho rằng, để tránh nguy cơ "hậu công nghiệp quá sớm và công nghiệp hoá ít thu hút lao động", Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng, vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp, đồng thời phải có chính sách khôn ngoan lựa chọn FDI và nuôi dưỡng tư bản dân tộc.

Ông đề nghị Việt Nam nên làm Sách Trắng về công nghiệp, mỗi năm công bố một lần.

Còn TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, Việt Nam vẫn cần một chính sách công nghiệp ưu tiên, vì chính sách này của ta vừa qua như quả mít nhiều gai nhọn, dàn trải, cần gọt bớt đi để tập trung nguồn lực.

"Chúng ta không nên theo đuổi một số sản phẩm công nghiệp cá biệt, thay vào đó, cần chọn ưu tiên theo nguyên tắc có lợi thế cạnh tranh, có thực lực công nghệ quốc gia và theo bối cảnh thị trường thế giới", ông nói.

"Nếu chọn công nghiệp ưu tiên không dựa theo lợi thế cạnh tranh rồi hỗ trợ vô điều kiện thì doanh nghiệp sẽ thất bại", TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông cũng lưu ý, khi đã xác định ngành công nghiệp ưu tiên, rồi sau đó lại được Nhà nước ưu ái quá, thiếu đánh giá khắt khe nghiêm khắc thì ngành đó cũng sẽ không phát triển được. Doanh nghiệp cần phải được sàng lọc qua quá trình cạnh tranh.

Nhìn tổng quan, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khuyến nghị, Việt Nam lạm phát chính sách, chiến lược. Lần này, kế hoạch (phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2035) phải phản ánh được hơi thở cuộc sống, tránh những sự viển vông, đưa ra quá tầm tay như trước đây đã làm.

Phạm Huyền