Vàng, USD hay chứng khoán?

Trước tác động và diễn biến khó lường của đại dịch, các nhà đầu tư dường như cũng thận trọng hơn khi xuống tiền. “Kênh đầu tư nào vừa an toàn, vừa sinh lời?” là điều mà không dễ dàng lúc này.

Đầu tiên phải nói tới vàng, từ đầu năm tới nay, giá vàng trong nước đã nhảy vọt từ mức trên 40 triệu đồng/lượng lên khoảng 60 triệu đồng/lượng. Đến ngày 7/8, vàng SJC bứt phá, bán ra cao nhất lên 62,4 triệu đồng/lượng. Vàng có thể được nhiều nhà đầu tư cho rằng là tài sản trú ẩn, tuy nhiên, nếu để đầu tư, có thể thấy rủi ro rất lớn khi chỉ sau 1 đêm hoặc thậm chí vài giờ, nhà đầu tư mất trắng vài triệu đồng/lượng.

Do đó, muốn kiếm được lợi nhuận khi rót vốn vào mặt hàng kim loại quý thì cần có tầm nhìn dài hạn. Chu kỳ tính đến trên chục năm để tiền 'chết' nằm chờ

Một kênh khác cũng đang gây sự chú ý trong thời gian gần đây là trái phiếu doanh nghiệp. Kênh đầu tư mới mẻ này đang duy trì đà tăng trưởng mạnh do lãi suất lên tới 13%, cao gấp 3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng trong khi thanh khoản luôn ở mức cao.

{keywords}
Giá vàng nhảy múa, lãi suất tiết kiệm giảm

Mặc dù khá hấp dẫn, nhưng Bộ Tài chính khuyến cáo cảnh báo các nhà đầu tư cần tiếp cận thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu. Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cẩn thận, trái phiếu chỉ phù hợp nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro, bởi lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Đối với cổ phiếu, giới chuyên gia cũng cho rằng, kênh đầu tư này cũng không dành cho tất cả mà phải là những nhà đầu tư có kiến thức về thị trường.

Với tâm lý “ăn chắc mặc bền” gửi tiết kiệm sẽ là kênh đảm bảo an toàn. Gửi tiết kiệm chắc chắn có lãi suất danh nghĩa, trong mấy năm nay lãi suất cao hơn chỉ số giá tiêu dùng CPI, tuy nhiên, mức lợi nhuận ở kênh đầu tư này khá thấp, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn giảm liên tục.

Hơn nữa nhiều người không coi đây là kênh đầu tư, bởi chỉ dành cho những người ít tiền, không biết đầu tư hoặc sợ rủi ro, để dành.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, cần căn cứ trên kỳ vọng lợi nhuận để xem xét chọn kênh đầu tư nào, trong đó, BĐS vẫn là kênh đầu tư trung và dài hạn bởi ngoài lợi nhuận, người mua có thể tích luỹ được nhà – loại tài sản luôn có giá trị tăng dần theo thời gian và nhu cầu không bao giờ là đủ.

Dài hạn, bất động sản liệu có lời?

Giá nhà đất từ mấy chục năm qua đã qua 3 - 4 cơn sốt, giá tăng không chỉ tính bằng phần trăm, mà tính bằng lần, mỗi cơn sốt cách nhau 7 - 8 năm. Đặc biệt, dù dịch Covid khiến nhiều hoạt động của doanh nghiệp đình trệ nhưng dường như thực tế BĐS rất khó giảm. Thứ nhất, nguồn cung khan hiếm do 2 năm nay, thủ tục pháp lý chậm dẫn tới thị trường hầu như không có dự án mới, trong khi nhu cầu không ngừng tăng, nhất là khi các kênh tài chính vàng, gửi tiết kiệm đều bất ổn hoặc sinh lời thấp. Thứ hai, chi phí đầu vào của BĐS tăng. Hiện giá đất được định giá theo thị trường, các chủ đầu tư đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nên không còn dư địa để giảm giá.

{keywords}
Kênh đầu tư nào an toàn và sinh lời nhất?

Dịch bệnh chỉ là nhất thời, còn về dài hạn, thị trường bất động sản sẽ có thích ứng và tiếp tục chu kỳ phát triển. Theo JLL, sự tác động của dịch bệnh càng thúc đẩy các nhà đầu tư có dòng tiền ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang chậm lại tiếp tục ưa chuộng xu hướng giữ tài sản nhà đất dài hạn làm kênh trú ẩn an toàn.

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, khi đầu tư, nhà đầu tư cần lưu ý về yếu tố sinh lời. Theo ông Đính, BĐS luôn tăng giá, mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5-7%/năm, như vậy sinh lời hơn gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, người mua có thể khai thác BĐS đó để cho thuê, vì vậy luôn có cơ hội để có nguồn thu. Hiện, thị trường vẫn có nhiều sản phẩm tốt ở vị trí đắc địa, nhà ở vị trí đắc địa luôn có khả năng tăng giá cao, vị trí ở các khu vực tốt.

Ông Đính cũng cho biết thêm, giai đoạn kinh tế khó khăn do dịch bệnh hiện nay cũng là thời điểm tốt cho người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm, có tầm nhìn tìm kiếm cơ hội từ việc tranh thủ các ưu đãi kích cầu của chủ đầu tư. "Nếu chờ đến khi tan dịch mới "vào cuộc" thì thời điểm vàng đã trôi qua", ông Đính khẳng định.

CEO Sàn giao dịch bất động sản THM Land cho rằng, người mua nhà sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thời điểm này do lãi suất đang ở mức thấp và nhiều chủ đầu tư tung ra chính sách bán hàng siêu ưu đãi để thu hút khách hàng.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cen Group đánh giá, về dài hạn, giai đoạn 3-10 năm tới, Việt Nam sẽ chạm tới giai đoạn vàng của thị trường bất động sản. Đó là thời điểm mà những nhu cầu cơ bản đã được thoả mãn và người dân sẽ có tích lũy tốt để có thể đầu tư và cải thiện chất lượng sống. Nhà đầu tư cần nhanh nhạy trước khi thị trường thiết lập mặt bằng giá mới.

"Quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số mạnh mẽ và quy mô hộ gia đình giảm tạo ra nguồn cầu về nhà ở. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số và được dự đoán sẽ lên mức 26% vào năm 2026. Chính vì vậy, nguồn cầu về nhà ở tại Hà Nội vẫn lớn, cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản còn nhiều", ông Hưng nói.

Xét về dài hạn bất động sản sẽ có nhiều dư địa để các nhà đầu tư lựa chọn, do các chính sách đối với ngành này đã tạo nên sự ổn định hơn. Đây sẽ là một kênh đầu tư đáng quan tâm với những nhà đầu tư am hiểu thị trường này.

Bảo An