Ngày 20/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã kí quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 20/3/2019 là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng). Mức giá này cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện hành là 143,79 đồng/kWh, tăng tương đương 8,36%.

{keywords}
Giá điện chính thức tăng sau lần tăng gần nhất từ cuối 2017.

Giá điện sinh hoạt thay đổi thế nào?

Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng này, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.

Trả lời báo chí tại buổi công bố thông tin, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, với việc điều chỉnh tăng thêm 8,36%, khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7 nghìn đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14 nghìn đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53 nghìn đồng.

{keywords}
Số tiền tăng thêm của các hộ gia đình khi giá điện tăng.

"Tuy nhiên, có một đặc điểm là khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao. Thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt trong đó dưới 100kWh vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%", Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết.

Tại họp báo hôm nay, liên quan tới thắc mắc giá điện sản xuất thấp, sinh hoạt cao có bất công hay không, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng lên tiếng giải thích.

Ông Tri cho rằng, thắc mắc trên nghe có vẻ đúng nhưng chính sách giá hiện nay mang cả tính xã hội, kỹ thuật, kinh tế.

“Về mặt kỹ thuật, sản xuất dùng nhiều, điện áp cao hơn và tổn thất thấp hơn so với điện sinh hoạt, chúng ta cũng đã có giá điện bậc thang để người thu nhập thấp tiếp cận điện, người tiêu dùng nhiều hỗ trợ người tiêu dùng ít. Nhiều lần tôi báo cáo, điện là sản phẩm duy nhất kêu gọi mọi người tiết kiệm, không khuyến mại điện, tuyên truyền cùng tham gia đầu tư và tiết kiệm điện”, ông Tri lý giải.

Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.

Theo đó, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3, CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3 - 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Thu được 20 nghìn tỷ, EVN phải chi 21 nghìn tỷ

Liên quan đến nội dung về số tiền EVN thu được từ việc điều chỉnh tăng thêm 8,36% giá điện lần này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3. Toàn bộ số tiền này sẽ được EVN chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN... đáng lý phải trả cách đây 2 năm nhưng đã bị treo lại.

EVN phải chi trả chi phí đầu vào tăng thêm gồm than 7.000 tỉ đồng, chênh lệch giá khí bao tiêu gần 6.000 tỉ đồng, chênh lệch tỉ giá là 3.825 tỉ đồng cùng các khoản khác... với tổng số tiền lên tới 21.000 tỉ đồng.

"Chúng tôi là người trung gian thu trả cho thiên hạ, đối tác cung cấp than, khí, nhà máy điện bán cho EVN, thuế... EVN không thể nào cáng đáng được buộc đưa vào giá điện và phải tính toán, EVN cố gắng tự nguyện giảm chênh lệch tỉ giá 4.500 tỉ, phấn đấu cắt giảm không đưa vào giá điện" - ông Đinh Quang Tri cho biết.

Về khoản chênh lệch tỷ giá, ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng giám đốc EVN cho biết thêm: Vấn đề này hoàn toàn khách quan, do thị trường ngoại tệ, nếu ổn định thì chênh lệch tỷ giá ít.

"Chúng ta vẫn phải vay vốn nước ngoài vì thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn. Nguồn vốn trong nước không đủ, các nhà đầu tư không thu xếp được vốn vay trong nước nên cơ chế chênh lệch tỷ giá này vẫn phải tiếp tục áp dụng. Nếu không vay nhà đầu tư không thể làm được, không có điện bán cho EVN và EVN cũng không có điện cung cấp cho nền kinh tế ", ông Đinh Quang Tri nói.

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng phân tích: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, tổng GDP cả nước đạt 245 tỷ USD. Còn theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện đạt 192 tỷ kWh. Điều đó có nghĩa là, 1kWh điện chỉ làm ra 1,3 USD, trong khi mức bình quân của thế giới là 1 kWh điện làm ra 3,3 USD.

Theo ông Sơn, việc sử dụng điện, kể cả diesel ở Việt Nam cực kỳ lãng phí, nên tiết kiệm là đúng. 10 năm qua, Việt Nam đã động viên tiết kiệm điện nhưng không hiệu quả cho nên chỉ bằng phương pháp giá, thị trường để buộc người dân tiết kiệm, sử dụng hiệu quả.

"Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng, nếu so sánh với với các nước có mức GDP bình quân ngang tầm với Việt Nam, giá điện của Việt Nam hiện đang thấp hơn 7%. Giá năng lượng ở Việt Nam thực sự không đắt", ông Nguyễn Thành Sơn nói.


Hà Duy