Tăng trưởng GDP 6 tháng có dấu hiệu chững lại, mục tiêu tăng trưởng của năm 2016 là 6,7% bị thách thức. Như nhiều năm trước, khai thác thêm dầu thô lại được gọi tên với hy vọng “cứu cánh” cho tăng trưởng.

“Múc” thêm dầu, cứu tăng trưởng

Những âu lo về mục tiêu tăng trưởng GDP là có cơ sở khi 6 tháng đầu năm GDP của Việt Nam chỉ tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. Tốc độ tăng trưởng suy giảm không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng,...

Trong khi đó, năm 2016, Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng phải đạt 6,7%. Muốn vậy, 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là mức tăng trưởng khá cao và để đạt được là “hết sức khó khăn”, do không còn dư địa hoặc rất khó để nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong những tháng cuối năm.

{keywords}

Một lần nữa, để “kích” tăng trưởng GDP, ý tưởng múc thêm 2 triệu tấn dầu thô trong năm nay đã được đề cập đến tại cuộc họp báo mới đây của Tổng cục Thống kê. Đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, nếu khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô sẽ kích thích được tăng trưởng. Năm 2016 chỉ tiêu khai thác dầu thô đặt ra cũng chỉ ở mức 14,2 triệu tấn.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm cũng đã nhắc đến việc khai thác thêm dầu thô để hỗ trợ tăng trưởng 2016.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, dầu thô được đề cập trong tình thế cấp bách về tăng trưởng GDP. Thời điểm này năm ngoái, khai thác thêm dầu thô cũng là cụm từ được nhắc đến khi nhìn vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% của năm 2015. Bởi, nếu không múc thêm dầu thô đem bán, mục tiêu ấy khó lòng đạt được.

Được biết, từ kế hoạch ban đầu khai thác 14,74 triệu tấn, đến hết năm 2015, tổng cộng đã có hơn 16,8 triệu tấn dầu thô được hút lên, tăng hơn 2 triệu tấn.

Mức giá dầu năm 2015 trung bình là 54,5 USD/thùng, dẫu sao vẫn cao hơn thời điểm đầu năm nay. Hồi giữa tháng 1/2016, giá dầu thô đã xuống đáy, mức thấp nhất là 28 USD/thùng. Sau đó, giá dầu thô đang tăng trở lại, hiện dao động quanh mức 48 USD/thùng, tăng 70% so với mức giá thấp nhất hồi đầu năm. Dự báo, giá dầu thô còn có nhiều biến động khó lường, có thể còn tăng cao trong thời gian tới.

Cần “đoạn tuyệt” với tăng trưởng dựa vào tài nguyên

Việc múc thêm dầu thô để bù cho tăng trưởng GDP không được nhiều chuyên gia và nhà quản lý đồng tình, nhất là khi so với vài năm trước, giá dầu đã mất một nửa giá trị.

Tuy đánh giá việc khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô sẽ bù được tăng trưởng GDP, nhưng chính Tổng cục Thống kê cũng lưu ý đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi sản lượng dầu mỗi năm sẽ giảm, càng về sau càng giảm, đến năm 2035 dự kiến sẽ cạn kiệt. Do đó, cơ quan này khuyến nghị cần tính đến những kịch bản lâu dài như là đẩy mạnh các lĩnh vực khác như chế biến, chế tạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đề nghị cần cân nhắc thận trọng, phải đặt trọng tâm vào đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng và khuyến khích xuất khẩu, tạo động lực để có tăng trưởng thực chất và hiệu quả.

"Tăng khai thác và xuất khẩu dầu thô hiện nay là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực phát triển của đất nước”, Bộ KH-ĐT cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh cho rằng, tăng trưởng dựa vào khai thác dầu thô chỉ giải quyết vấn đề thành tích, không nên khuyến khích. Bởi vì con số tăng trưởng GDP không có nhiều ý nghĩa trong thực tế.

Cho rằng khai thác thêm dầu thô bù tăng trưởng là một lẽ, TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, còn nhận định, khai thác thêm dầu thô cũng là một nguồn để bù chi khi chi tiêu đang quá lớn.

Theo vị chuyên gia này, trữ lượng dầu thô khai thác cũng không còn nhiều, trong khi việc thăm dò thêm các mỏ mới cũng rất khó khăn. Cho nên về lâu dài, triển vọng tăng trưởng dựa vào khai khoáng là không bền vững.

TS Đỗ Đức Định không khỏi trăn trở về mô hình tăng trưởng của đất nước. Nhiều năm nay, Việt Nam tăng trưởng dựa trên các lợi thế so sánh có sẵn như tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động giá rẻ. Chúng ta cũng đã đặt ra mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, chú ý hơn về chất, với giá trị gia tăng cao, song đến nay vẫn phải dựa vào khai khoáng, trong đó có khai thác dầu thô.

“Điều đó có nghĩa mô hình tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào tài nguyên thô hơn là dựa vào chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ chất lượng cao”, TS Đỗ Đức Định băn khoăn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh đến môi trường trong mô hình tăng trưởng của đất nước: “Bảo vệ môi trường là quan trọng nhất cho “hôm nay” và “ngày mai” cả về phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân. Nếu không nhìn nhận vấn đề môi trường là vấn đề cấp bách thì dù GDP có tăng cao hay thấp cũng chỉ là “ảo”.

Lương Bằng