Lo gánh nặng nợ nần kéo sập cả tập đoàn

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương ngày 27/3, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nhấn mạnh, "Đạm Ninh bình là căng thẳng nhất” trong số 4 dự án bị xếp vào danh sách yếu kém của đơn vị này. 

Căng thẳng nhất với đạm Ninh Bình chính là chi phí tài chính quá lớn (vốn đầu tư 12 nghìn tỷ). Hiện tất cả các hợp đồng tín dụng Vinachem vay đầu tư cho dự án này thì tập đoàn đang phải trả, còn “ông này không trả được”.

{keywords}
Đạm Ninh Bình vẫn là gánh nặng khổng lồ với Vinachem.

“Nếu cứ duy trì khoản nợ thế này thì bản thân Tập đoàn cũng không thể trả và không có khả năng trả nợ. Tháng trước, ngân hàng Vietinbank làm văn bản nói nếu không trả tiền thì họ sẽ kiện ra toà”, ông Cường nói. “Đạm Ninh Bình giờ không ngân hàng nào cho vay cả”.

“Nhà máy đã khó còn khó thêm. Hiện đạm Ninh Bình hoạt động được chủ yếu là nhờ khách hàng ứng tiền, mang tiền đi mua than chạy. Còn hầu như không vay được ngân hàng”, lãnh đạo Vinachem bộc bạch.

“Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ kéo sập Đạm Ninh Bình mà kéo sập cả tập đoàn”, ông Cường lo lắng. Bởi lẽ, vốn đầu tư mà Vinachem đổ vào dự án này khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Vinachem chỉ có hơn 13 nghìn tỷ. 

Với dự án Đạm Hà Bắc, tình hình có phần khả quan hơn khi giảm lỗ được 266 tỷ đồng. Thế nhưng gánh nặng tài chính vẫn là nỗi ám ảnh với nhà máy này.

Năm 2018, đạm Hà Bắc đạt doanh thu là 3.087 tỷ đồng, nhưng riêng chi phí tài chính gồm lãi ngắn hạn, dài hạn tỷ giá đã là 820 tỷ đồng. Như vậy, chi phí lãi vay chiếm 27-28%. Năm nay, theo tính toán thì chi phí tài chính của đạm Hà Bắc cũng hơn 800 tỷ trên kế hoạch doanh thu 3.100 tỷ.

“Đó là gánh nặng khủng khiếp”, lãnh đạo Vinachem thốt lên. Chi phí tài chính quá lớn khiến đạm Hà Bắc dù đã tiết giảm chi phí, hoạt động tốt hơn nhưng vẫn rất khó khăn. Vì thế lãnh đạo Vinachem “tha thiết đề nghị” có giải pháp để ngân hàng hỗ trợ về chi phí lãi vay, nhất là trong bối cảnh giá điện vừa điều chỉnh tăng thì Tập đoàn không biết phải xoay sở thế nào.

Trong số 4 dự án của Vinachem, dự án DAP 1 Hải Phòng đã khá hơn khi có lãi gần 200 tỷ phần lớn là nhờ tiết giảm chi phí 99 tỷ đồng. Cho nên, Vinachem mong muốn dự án được đưa ra khỏi “danh sách đen”. 

Nhiều dự án còn loay hoay tìm lối ra

Với dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 đang nằm đắp chiếu, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, việc đàm phán với nhà thầu Trung Quốc là MCC đang bế tắc. Lý do: chủ đầu tư và MCC không thể ngồi đàm phán được. “Họ không hợp tác nên không đàm phán được. Họ cũng không hứa hẹn gì cả”, lãnh đạo Tổng công ty thép Việt Nam nói.

{keywords}
Gang thép Thái Nguyên đang bế tắc.

Còn Dự án nhà máy giấy và bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam, sau 3 lần bán đấu giá mà không ai mua, lãnh đạo Giấy Phương Nam đề xuất phương án xử lý mà đơn vị này cho là phù hợp. Đó là gom lại để cổ phần hóa chung với Tổng công ty Giấy Phương Nam, cải tiến lại công nghệ để sử dụng nguyên liệu bạch đàn và keo. Xây dựng vùng Đồng Tháp Mười thành vùng nguyên liệu trồng bạch đàn, keo.

Trong số 5 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo PVN vui mừng khi dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVtex) đã giải quyết được tranh chấp với nhà thầu EPC theo hướng hòa giải chứ không khởi kiện. Điều này giúp PVtex được lợi một khoản chi phí lên đến 23 triệu USD.

Còn dự án ethanol Dung Quất, nhà máy đã khởi động lại và cho ra sản phẩm.

Dự án ethanol Phú Thọ, đại diện PVN cho biết các phương án lựa chọn đối tác đàm phán thoái vốn đều khó khăn. Cho nên, PVOil đang tính toán và đề xuất thủ tục phá sản. Đây được coi là phương án tốt nhất với dự án này.

Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn đang rất khó khăn, vốn chủ sở hữu bị âm. Kết quả kinh doanh vẫn lỗ.

Trước báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ phấn khởi khi một số dự án đang dần vượt qua khó khăn, vận hành trở lại, kinh doanh tốt lên, đặc biệt là dự án xơ sợi Đình Vũ. Cho rằng “có nỗ lực có cố gắng thì có khác”, Phó Thủ tướng vẫn lưu ý việc xử lý các dự án như thế này “không phải ngày một ngày hai được”.

Nhắc đến cách người Nhật làm dự án, khâu chuẩn bị đầu tư làm rất kỹ, rất lâu, nhưng khi thực hiện thì rất nhanh, Phó Thủ tướng cho rằng đó là bài học để các tập đoàn, tổng công ty nhìn vào, tránh tình trạng dự án duyệt nhanh nhưng triển khai chậm, bị đội vốn nhiều lần.

Đánh giá chung về các dự án, ông Vương Đình Huệ nhìn nhận còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vướng mắc trong việc giải quyết các hợp đồng tổng thầu EPC.

“Trọng điểm nhất tới đây là xử lý hợp đồng EPC và quyết toán các dự án. Các bộ, tập đoàn, tổng công ty quyết tâm cao, nhưng phải kiên nhẫn, bình tĩnh. Bởi lẽ, theo Phó Thủ tướng, để những dự án gặp khó khăn vướng mắc thì 'tại anh tại ả tại cả đôi bên', chứ không phải một bên”.

“Quyết tâm và kiên nhẫn”, Phó Thủ tướng yêu cầu các phương án xử lý phải đảm bảo có lợi nhất cho mình, điển hình như việc PVtex hòa giải được với nhà thầu giúp giảm hơn 23 triệu USD. Ông Vương Đình Huệ cho rằng, nếu đối tác không hợp tác thì từng tập đoàn báo cáo khẩn trương về Ban chỉ đạo, xin ý kiến Bộ Tư pháp, tư vấn pháp lý của đơn vị để đưa ra bên thứ ba là cơ quan trọng tài để phân xử.

Lương Bằng