Đến 30/9, nếu Việt Nam không khắc phục được 5 nhóm khuyến nghị của EU liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), EU cảnh báo sẽ rút thẻ vàng đối với Việt Nam.

Trong khu vực ASEAN, hiện Campuchia đã bị thẻ đỏ, Philippines và Thái Lan đã bị EU rút thẻ vàng. Đối với Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến cáo từ những năm 2012-2013. Trong năm 2016 và 2017, EU liên tiếp cử các đoàn sang kiểm tra và cảnh báo. Và thời hạn mới nhất là ngày 30/9, nếu chúng ta không khắc phục được 5 nhóm khuyến nghị liên quan đến IUU thì EU sẽ rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định, đây là vấn đề không phải xa xôi mà rất là rất cấp bách. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT đã ý thức rất rõ việc này và quyết liệt khắc phục những khuyến cáo mà phía EU đưa ra, đặc biệt vấn đề vi phạm quy định chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

h
Hải sản Việt Nam đang bị EU cảnh báo và có thể bị rút thẻ vàng

Theo Thứ trưởng Tám, về mặt quan điểm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT đã tuyên bố rõ: Việt Nam không dung túng và không khuyến khích hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Ngược lại, chúng ta vừa vận động thuyết phục, nếu vi phạm thì xử lý nghiêm. 

Việt Nam đã triển khai loạt hành động, đó là soạn thảo Luật Thủy sản, trong đó có hẳn 1 mục về IUU; chính thức đưa chế định về lực lượng kiểm ngư vào trong Luật và nhấn mạnh đến việc phát triển ngành thủy sản hiệu quả, có trách nhiệm và phát triển bền vững,.. Tất cả những nội dung trên đã được đưa vào bộ Luật Thủy sản sửa đổi, dự kiến tháng 10 Quốc hội sẽ thông qua.

Nhờ đó, từ tháng 6/2017 đến nay, số lượng tàu cá ngư dân của Việt Nam vi phạm vùng biển các nước, đánh bắt bất hợp pháp đã giảm thiểu. Hy vọng khi kế hoạch hành động được ban hành, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và sự nỗ lực của các ban ngành, địa phương, Việt Nam sẽ sớm chấm dứt được việc này.

"Đến nay, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng thì EU cũng nói là 'đang xem xét'. Nhưng 'đang xem xét' không có nghĩa EU sẽ không rút thẻ vàng. Chúng ta có đề nghị lùi đến 31/12, nhưng kể cả trường hợp EU cho phép chúng ta lùi thì cũng phải hành động quyết liệt và coi đây là cơ hội để nghề khai thác nói riêng cũng như thủy sản nói chung tổ chức lại sản xuất và phải xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững”, Thứ trưởng Tám cho hay.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) lưu ý, theo quy định, sau khi bị EU cảnh báo rút thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng khắc phục các thiếu sót. Trong thời gian này, nếu không có cải thiện sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.

Vasep cho biết, nếu bị rút thẻ vàng thì thực sự là một thiệt hại nặng nề đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU, tiếp theo là ở nhiều thị trường quan trọng khác như Mỹ.  Bởi, mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam đạt 1,9-2,2 tỷ USD, trong đó EU và Mỹ mỗi thị trường chiếm tới 16-17%.

Sau đợt đánh giá từ 15-19/5/2017 tại Việt Nam, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của EC (DG-MARE) đã đưa ra 5 khuyến nghị liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU): 

- Đề nghị sửa đổi Luật Thủy sản, hướng tới xây dựng Luật Thủy sản phù hợp với các cam kết quốc tế tại các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia;

- Phải quản lý đội tàu và cường lực khai thác dựa trên những đánh giá đúng đắn về nguồn lợi và trữ lượng loài, để giảm thiểu tác hại của hoạt động khai thác quá mức; 

- Việt Nam cần thực hiện tốt hơn trách nhiệm của quốc gia mang cờ trong việc quản lý và thanh, kiểm tra các tàu khai thác mang cờ Việt Nam; 

- Việt Nam cần sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chứng nhận khai thác thủy sản và quy trình/cơ chế chứng nhận để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; 

- Việt Nam cần thể hiện rõ hơn những nỗ lực trong việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu không được đăng ký tham gia vào hoạt động khai thác trên vùng biển quốc tế.


B.H