Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến các dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư; đồng thời chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm. Trong đó, các dự án đường sắt đô thị được điểm mặt rõ ràng.

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy dự án hoàn thành 99% khối lượng xây lắp; riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong 2019.

{keywords}
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa thể vận hành

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.

Đáng chú ý, theo Bộ Giao thông vận tải, dự án chưa được cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chúng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng,...

“Bộ Giao thông vận tải đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện”, Bộ này cho hay.

Nhiều dự án đường sắt đô thị khác ở Hà Nội và TP.HCM cũng chậm tiến độ.

Cụ thể, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, đến nay, tổng tiến độ chung dự án mới chỉ đạt trên 49% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 4255/UBND-KH&ĐT ngày 14/9/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Đối với 2 dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, Bộ Giao thông vận tải cho hay: Tuyến số 1 giá trị sản lượng đạt 63,91%, đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố 2.158 tỷ đồng trong khi chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.

Tuyến số 2 có 9 gói thầu, trong đó Gói thầu CP1 (xây dựng tòa nhà Văn phòng, khu Depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên chưa thể triển khai do đang vướng mắc về việc điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án.

Lý giải nguyên nhân các dự án chậm trễ, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: Đây đa phần đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do đó chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.

“Do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả chủ đầu tư và tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn, gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay.
Đó là Dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng chiếm 77% tổng mức đầu tư.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên: Sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ Nhật Bản từ 30% trở lên, nhà thầu chính phải là nhà thầu Nhật Bản.

Lương Bằng