Bến Tre - Trà Vinh là hai địa phương cùng nằm ở hạ lưu sông Mekong, nối liền bởi cầu Cổ Chiên và cùng tiếp giáp với biển Đông.

Cách TP.HCM 80km về hướng Tây, với vị trí giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy, qua Long An, Tiền Giang là đến Bến Tre. Đi tiếp hơn 40km là TP. Trà Vinh - vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển, là nơi gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa.

Tại Hội nghị quảng bá xúc tiến với chủ đề “Kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình” của hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh ngày 19/11, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bến Tre, cho hay, sản phẩm du lịch Bến Tre mang đến cho du khách Hà Nội hoàn toàn khác biệt khi khai thác các sản phẩm du lịch trên nền tảng văn hóa xứ dừa, khai thác các giá trị của dừa, ngủ trong nhà làm bằng dừa,... cùng với nền văn hóa, bản sắc địa phương đậm đà miền Tây Nam Bộ.

{keywords}
Với diện tích trên 70.000ha, cây dừa đã mang lại nét riêng đặc trưng cho Bến Tre

Vì thế, địa phương này không lo ngại tình trạng na ná nhau của các sản phẩm du lịch miền Tây, bà Dung khẳng định. Với diện tích trên 70.000ha, cây dừa đã mang lại nét riêng đặc trưng cho Bến Tre: dừa trong đời sống văn hóa, dừa trong ẩm thực, kể cả trong giấc ngủ của người dân, là vật trang trí trong các cơ sở lưu trú từ homestay đến các khách sạn 4-5 sao.

Bến Tre còn có thế mạnh là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, nổi bật là các điểm đến Cồn Phụng, Cồn Quy, Cồn Phú Đa, vườn trái cây Cái Mơn - Chợ Lách, sân chim Vàm Hồ...

Còn Trà Vinh có thế mạnh là du lịch cộng đồng, đặc trưng là du lịch văn hóa với các điểm đến nổi tiếng Chùa Hang, ao Bà Om, khu du lịch sinh thái rừng đước, cù lao Tân Quy,...

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ, không phải ngẫu nhiên Bến Tre và Trà Vinh lại chọn cách kết nối vô cùng đặc biệt này để gắn kết sản phẩm hai địa phương với nhau, mà đó là sự đúc kết từ một hành trình, một trải nghiệm vô cùng phong phú, không trùng lắp, tạo ra nét riêng về văn hóa rất đặc sắc của hai tỉnh.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VH-TT&DL Trà Vinh kỳ vọng, qua hội nghị quảng bá xúc tiến lần này, hai tỉnh mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp lữ hành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, để tiếp tục đưa khách về miền Tây.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty du lịch Mr.Linh Adventure, lưu ý Bến Tre và Trà Vinh cần có những sản phẩm đặc biệt hơn nữa để phía lữ hành xây dựng các tour du lịch ngày càng hấp dẫn. Ông gợi ý lồng ghép các chương trình tour gắn với nông nghiệp sạch, cùng các tiết mục biểu diễn và lễ hội đặc sắc của địa phương sẽ tạo dấu ấn đặc biệt với du khách.

Trước đó, ngày 18/11, Cần Thơ cũng tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch tại Hà Nội.

Với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt cùng các chợ nổi trên sông rất độc đáo, Cần Thơ được mệnh danh “đô thị miền sông nước”. TP này còn nổi tiếng với các địa danh bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng cùng hệ thống vườn cây ăn trái, công trình di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa và làng nghề truyền thống.

Lợi thế của Cần Thơ là hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt là đường bay thẳng giữa Hà Nội và Cần Thơ, được 3 hãng hàng không nội địa khai thác.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, khách du lịch đến Cần Thơ ước đạt 5,6 triệu lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu từ du lịch ước đạt 3,2 tỷ đồng, giảm 28,6%.

Do đó, việc thúc đẩy phát triển du lịch trong nước được xem là giải pháp duy nhất để từng bước khôi phục ngành du lịch trong lúc này.

Hà Yên