- TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng vẫn có thể có phương án tối ưu cho 5 dự án nghìn tỷ bị đắp chiều khi trao đổi với Góc nhìn thẳng. Đây cũng là nội dung ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương hôm 15/11.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Những dự án ngàn tỷ đắp chiếu đang trở thành bài học đau xót cho công tác đầu tư công kém hiệu quả. Chính phủ đã có những báo cáo về 5 dự án bị thua lỗ ở các lĩnh vực như giấy, thép, đạm, xơ sợi và xăng sinh học nhưng đến nay, vẫn chưa có một giải pháp nào hiệu quả đã được công bố. 

Dư luận băn khoăn với những câu hỏi nên tiếp tục triển khai hay dừng các dự án này? Và liệu, những vấn đề này có được làm rõ tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh dự kiến diễn ra hôm nay, 15/11?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh số phận các dự án trên.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, với hiện trạng ngổn ngang ở 5 dự án nghìn tỉ đang phải đắp chiếu, chúng ta phải xử lý như thế nào, khi mà tiếp tục làm thì lo lỗ, không làm thì e là lãng phí? Chúng ta nên tiếp tục triển khai những dự án này hay nên dừng lại? Đây là một câu hỏi mà dư luận đã đặt ra bấy lâu nhưng chưa cơ quan nào trả lời sáng rõ.

TS Nguyễn Đức Kiên: Trước hết chúng ta phải nói rằng, đây là những dự án nghìn tỷ. Dư luận xã hội khi nghe thì phải nghe từ hai phía. Không phải cứ phát biểu theo cảm tính được. 

Năm dự án này, trong đó có thể thấy có dự án này máy sơ sợi Đình Vũ, dự án gang thép Thái Nguyên, dự án ethanol, dự án sản xuất đạm... Cả năm dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 30 nghìn tỷ. Xét trong giai đoạn từ năm 2007 – 2011 đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP.

Nhưng ở giai đoạn 2, ở vòng 2 về sản xuất kinh doanh thì các dự án đã không đạt được như yêu cầu.

Ví dụ như, ở dự án sản xuất ethanol, chủ trương sản xuất ethanol là đúng nhưng vấn đề ở đây là sau khi có chủ trương đúng, chúng ta không có cơ chế vĩ mô để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Cho nên vì vậy, cũng cùng là nhà máy sản xuất ethanol đấy, ta có thể thấy, không chỉ riêng có các nhà máy của Petrol Việt Nam sản xuất đưa vào đầu tư rồi bị lỗ mà cả dự án của nhà đầu tư Đức ở Bình Dương cũng đang gặp phải khó khăn.

Lượng tiêu thụ xăng ethanol trên thị trường là rất ít nhưng chúng ta không có một cơ chế để đảm bảo thị trường phải tiêu thụ xăng ethanol bắt buộc. Thứ nữa là các yêu tố vĩ mô của thời điểm hiện nay đã thay đổi so với trước.

Như vậy, vấn đề ở đây là sẽ phải có những cái quyết định làm sao cho tối ưu nhất. Chứ không phải đến bây giờ chúng ta nói bảo rằng đóng cửa là đóng cửa. Không phải vậy. Vấn đề là chúng ta làm sao chọn ra được một phương án tối ưu để giảm thiểu những tổn thất trong quá trình đầu tư và quá trình khai thác. Nhưng đồng thời, vẫn sử dụng tốt cái nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

{keywords}
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet)

Đó là nhiệm vụ của các đại diện chủ sở hữu Nhà nước ở các dự án này. Từng doanh nghiệp một sẽ phải có những phương án trình lên cấp có thẩm quyền là cơ quan đại diện chủ sở hữu để quyết định phương án xử lí phù hợp, làm sao giảm cái tổn thất cho ngân sách nhà nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Dù vậy, vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu như dự án không hiệu quả thì nên dừng lại. Ý kiến của ông như thế nào về điều này?

TS Nguyễn Đức Kiên: Ở đây thì chúng ta phải nói rằng, việc nói một câu là không hiệu quả thì chúng ta dừng dự án, về mặt lí thuyết là hoàn toàn có thể chấp nhận đươc.

Nhưng về mặt thực tế và dưới góc độ của người đầu tư thì chắc là ý kiến ấy sẽ không được các nhà đầu tư chấp nhận. Vấn đề bầy giờ là tiền vốn đã bỏ ra rồi thì trách nhiệm của người xử lí là làm sao phát huy tối đa cái hiệu quả của vốn đầu tư đã bỏ ra, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro và những tổn thất trong quá trình đầu tư.

Nhà báo Phạm Huyền: Thế nhưng, với những bộ máy vẫn những con người như thế, cơ chế như thế, nhân sự như thế, cách quản lí như thế thì ông lấy đâu ra niềm tin rằng, nếu như chúng ta triển khai tiếp 5 cái dự án này, tình trạng sẽ bớt xấu đi, yếu kém sẽ khắc phục được? Nếu ở doanh nghiệp tư nhân, làm ăn kém hiệu quả là bị Tổng giám đốc sẽ ngay lập tức bị thôi việc, cách chức!

Xem thêm video 5 dự án ngàn tỷ đắp chiếu:

TS Nguyễn Đức Kiên: Câu chuyện ở đây không phải là niềm tin mà là sự thật! Tôi nói trên cơ sở sự thật. Năm 2014, chúng ta đã có Luật Đầu tư công. Năm 2013, chúng ta có Hiến pháp 2013. 

Tức là so với thời điểm chúng ta đầu tư những nhà máy trên và đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã hoàn thiện khung cơ sở pháp lí. Năm 2015, chúng ta cũng đã có Luật Quản lý vốn đầu tư của Nhà nước đầy tư tại doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Chúng ta cũng nhìn lại xem. Ví dụ, khi nhà máy xơ sợi Đình Vũ giai đoạn năm 2013-2014 bắt đầu sản xuất mà không thấy điều hành được thì ngay Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đã huyền chức ông Vũ Đình Duy, lúc đấy là Tổng Giám đốc của xơ sợi Đình Vũ. Như vậy, không phải là chúng ta không cách chức được đâu nếu yếu kém.

Chúng ta cũng đã làm nhưng tất nhiên do đây nó là doanh nhiệp Nhà nước, là vốn của DNNN, là vấn đề con người cho nên chúng ta phải làm theo quy trình đặc thù. Nếu doanh nghiệp nhà nước mà không có tổ chức Đảng, không có tổ chức Công đoàn, chỉ có một ông chủ tự quyết định hết thì có lẽ báo chí cũng không lên tiếng làm gì. 

Thế nhưng, ở trong trường hợp này, nếu làm không khéo thì sẽ vi phạm Luật Lao động, Công đoàn lại đứng ra kiến nghị, bên tổ chức Đảng lại hỏi xem là đã làm quy trình cán bộ như thế nào chưa...?

Trong cơ quan nhà nước thì có những việc như vậy. Nhưng nếu với tinh thần của Hội nghị Trung ương IV vừa qua về chống diễn biến, tiếp tục chỉnh đốn Đảng và với thẩm quyền và trách nhiệm phân giao trên cơ sở các luật đã được ban hành theo tinh thần của Hiến pháp 2013 đến nay, tôi cho rằng, chúng ta sẽ khắc phục những tình trạng đấy.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi xin hỏi ông câu cuối, vậy theo ông, đối với năm dự án này, bài học kinh nghiệm lớn nhất ở đây cần rút ra là gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Mỗi một dự án có một đặc thù riêng, có cái nó dẫn đến tình trạng như thế này là do lỗi tại quản lý Nhà nước, lỗi do tại phía thị trường. Nhà nước không tạo được một môi trường đầu tư tốt, cụ thể hơn như không tạo ra được cái thói quen sử dụng xăng sinh học để tiết kiệm và bảo vệ môi trường chẳng hạn... Đấy chính là lỗi của Nhà nước và lỗi của thị trường.

Còn đối với các đại diện chủ sở hữu nhà nước hay nói nôm na là những người có quyết định đầu tư các dự án này, ở thời điểm đấy, chúng ta đầu tư theo cảm tính và theo tính toán rất là đơn giản. Thế nhưng, đến bây giờ, chúng ta có đầy đủ luật rồi thì chúng ta phải làm theo luật nên chúng tôi hi vọng là sẽ có chiều hướng tích cực đi lên.

Cho nên, theo tôi, một bài học rút ra là phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư để tránh tình trạng kéo dài thời gian đầu tư quá lâu, điều ấy đã cho thấy làm mất cơ hội thị trường. Đấy là một cái điều có lẽ là quan trọng nhất cần rút ra trong cả năm dự án này.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!

...

Năm dự án ngàn tỷ đắp chiếu:

1. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, lỗ 1.472 tỷ đồng, phải dừng hoạt động từ năm 2015.

2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất do Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, hiện nợ ngân hàng hơn 1.300 tỷ đồng, đã dừng hoạt động từ tháng 3/2016.

3. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư tăng từ 3.843 tỷ lên hơn 8.000 tỷ đồng, triển khai 10 năm chưa xong, hiện bỏ hoang 4 năm qua dù đã rót vốn 4.438 tỷ đồng

4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Vốn đầu tư từ 1.500 lên 3.000 tỷ đồng, nợ xấu lên tới 2.650 tỷ đồng và hiện đang chờ thanh lý sau 10 năm khởi công.

5. Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, đã lỗ 2.700 tỷ đồng, hiện đang phải thu hẹp lại sản xuất.


VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền 

Clip: Huy Phúc, Xuân Quý, Bạt Tuấn, Diệu Bình

Các tin cùng chuyên mục: