Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng CP về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các hiệp hội cho rằng, DN đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. 

Đến nay, các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động rất lo lắng khi chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng - với nguy cơ đứt gãy, khó khăn để phục hồi sản xuất nếu chưa “nới lỏng” sản xuất an toàn và bắt đầu phục hồi sản xuất trước ngày 15/9. 

Các DN dù sản xuất cầm chừng được theo “3 tại chỗ” (15-20% số nhà máy) hay ngừng sản xuất (80-85% số nhà máy) thì đều có mẫu số chung là gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, mất khách hàng, mất thị phần, thiếu hụt lớn nguồn lao động và đặc biệt là chi phí lớn khi vẫn phải đảm bảo trách nhiệm với người lao động và đối tác chuỗi.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh

Hầu hết các ngành hàng đều có điểm chung là chi phí cho người lao động (tiền công, bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn) rất lớn. Riêng việc đóng BHXH theo quy định, DN và người lao động đã phải đóng 32,5% tổng quỹ lương.

Nay các DN phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất nhưng chi phí liên quan đến người lao động vẫn giữ nguyên. DN vẫn phải trả lương lao động ngừng việc khiến khó khăn càng chồng chất, khó trụ vững dài ngày. 

Do đó, các hiệp hội kiến nghị Phó Thủ tướng sắp xếp và chỉ đạo có một cuộc họp để đại diện các Hiệp hội ngành hàng báo cáo, chia sẻ cùng Chính phủ trong công tác chống dịch cũng như đưa ra các sáng kiến, đề xuất, kiến nghị để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn.

Trước mắt, các hiệp hội kiến nghị Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo và BHXH Việt Nam xem xét một vấn đề bức thiết, có ý nghĩa trợ lực quan trọng cho “sức khỏe” của các DN.

Đó là đối với những lao động tạm ngừng việc (do DN ngừng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc “3 tại chỗ” hoặc phải đi cách ly): cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội (hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm) trong thời gian thực hiện giãn cách/cách ly để phòng, chống dịch Covid theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền .

Cho phép DN và người lao động được miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người lao động phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu Nhà nước (kể cả trường hợp người lao động ngừng việc được DN trả lương tối thiểu ).

Cho phép các DN ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc các khu vực, địa phương mà DN được yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được tạm ngừng đóng BHXH ít nhất 3 tháng sau khi gỡ bỏ các quy định trên. Đối với những lao động đã và đang làm việc “3 tại chỗ”: cho phép DN và người lao động được giảm 50% mức đóng BHXH trong 6 tháng. 

Về xử phạt: Không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các DN không có khả năng đóng BHXH trong giai đoạn phong tỏa do phải ngừng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch bệnh Covid-19. Bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các DN. Có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với tất cả người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.

Các hiệp hội kiến nghị bao gồm: Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam.

Bảo Anh - Bảo Hân

Suốt 45 ngày giãn cách: Hà Nội 'chịu đau' để giữ mình an  toàn

Suốt 45 ngày giãn cách: Hà Nội 'chịu đau' để giữ mình an toàn

Trước áp lực dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. 45 ngày qua, kinh tế Hà Nội chịu ảnh hưởng rõ rệt, đổi lại dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.