Chưa làm xong, đã lo không bán được hết điện

Như VietNamNet đã phản ánh, hàng chục dự án điện gió ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đang được thi công gấp rút để kịp hưởng giá ưu đãi là gần 2.000 đồng/số (xem thêm tại đây)

Thế nhưng, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Quảng Trị cho thấy, việc khó giải tỏa hết công suất các dự án điện gió tại Quảng Trị đang hiện hữu.

Tổng công suất các nguồn điện đã được phê duyệt quy hoạch của Quảng Trị là 4.724 MW. Ngoài ra, còn xấp xỉ 12.000 MW công suất nguồn điện tiềm năng đang được xem xét trong quy hoạch điện VIII.

{keywords}
Các dự án điện gió ở Quảng Trị đang được gấp rút triển khai. Ảnh: Lương Bằng

Dự án bổ sung nhiều, trong khi đường truyền tải hiện hữu không thể đáp ứng được đã làm nảy sinh nhiều nguy cơ.

Để đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất nguồn điện gió, các dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Lao Bảo - Đông Hà đã được điều chỉnh quy mô, tiết diện so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, khả năng truyền tải của các công trình nói trên còn hạn chế, chưa thể giải tỏa hết công suất nguồn điện gió tiềm năng phía Tây tỉnh Quảng Trị (các huyện Đa Krông, Hướng Hóa).

Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã được bổ sung tại khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị đến nay là trên 1.400 MW, vượt quá khả năng truyền tải các công trình hiện hữu và đang triển khai của EVN.

Theo tính toán của EVN, năm 2021, do quá tải lưới điện 220kV/110kV nội vùng và quá giới hạn truyền tải cung đoạn 500kV, nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Trị có thể hấp thụ tối đa là 309MW/1.440MW (chỉ có thể giải tỏa được 21%).

Năm 2023, chỉ có thể hấp thụ tối đa là 404MW/1.440MW (chỉ có thể giải tỏa 28%).

Năm 2025, chỉ giải tỏa được 763/1.440MW (giải tỏa được 53%).

Để đảm bảo truyền tải công suất cho các dự án đã được phê duyệt quy hoạch và có thể tiếp tục bổ sung thêm các nguồn điện năng lượng tái tạo mới, đặc biệt tại khu vực phía Tây của tỉnh, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung các công trình lưới điện truyền tải mới để có thể đáp ứng giải tỏa công suất các nguồn đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đó là Trạm cắt 500kV Quảng Trị 2 và ĐD500kV đấu nối; trạm biến áp 500kV Lao Bảo; Đường dây 500kV Lao Bảo - Quảng Trị 2; Đường dây 220kV Lao Bảo - TBA 500kV Lao Bảo; Trạm biến áp 220kV Hướng Linh...

{keywords}
Các dự án điện gió đối mặt nguy cơ hoàn thành cũng không thể bán được hết điện. Ảnh: Lương Bằng

Cấp phép nhanh, giải phóng mặt bằng làm đường dây lại chậm

Nhiều nhà đầu tư lo lắng trước việc tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các đường dây đấu nối chậm chạp, nguy cơ điện sản xuất ra không bán được.

Sau khi được Bộ Công Thương dồn dập phê duyệt bổ sung quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Trị đã rất nhanh chóng khi cấp phép đầu tư cho các dự án điện gió. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng của các tuyến đường dây giải tỏa công suất điện gió lại không nhanh như vậy.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo EVN vào cuối năm 2020, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã chỉ đạo các Sở, Ban ngành và UBND các huyện hỗ trợ các đơn vị của EVN trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo có chiều dài 47,5km trước ngày 30/12/2020. Tuy nhiên, đến nay hai dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Nhìn tiến độ thi công tuyến đường dây, một nhà đầu tư sốt ruột và nhấn mạnh đến “nguy cơ vô cùng lớn”. “Đầu tư được một dự án điện, chúng tôi mất mấy năm để được bổ sung vào quy hoạch, chuẩn bị đất đai, triển khai thực hiện dự án. Giờ đây, nếu đầu tư xong mà đường dây truyền tải chưa hoàn thành xong thì vỡ trận”, nhà đầu tư này lo lắng.

Lưu ý “tiến độ dự án phải đồng bộ với đường dây”, lãnh đạo EVN chia sẻ: "Khi làm việc với chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vào tháng 11/2020, chúng tôi cam kết hoàn thành đường dây 220kV Lao Bảo - Đông Hà và trạm 220kV Lao Bảo 6 tháng sau khi được bàn giao mặt bằng. Thế nhưng, hiện đã là tháng 3, việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa xong".

“Chúng tôi mong địa phương kịp bàn giao mặt bằng trong tháng 3 để sớm hoàn thành dự án đường dây”, lãnh đạo EVN bày tỏ.

Lương Bằng

Thủ phủ điện gió Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng

Thủ phủ điện gió Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng

Hướng Hóa đang trở thành thủ phủ điện gió Việt Nam. Nhà đầu tư đang chạy đua kịp thời hạn hưởng giá ưu đãi. Ăn theo đó cuộc đua tăng giá đòi bền bù cao. Khó tin 1 sào đất đồi ở đây hét giá tới 4 tỷ đồng.