Câu chuyện từ Singapore

Singapore tiếp tục nới lỏng hạn chế đi lại thông thường, hành khách nhập cảnh từ Việt Nam sẽ chỉ phải cách ly tại nhà trong 7 ngày. Các hạn chế về biên giới của Singapore sẽ tiếp tục được nới lỏng từ ngày 1/9 đối với người dân đi tới New Zealand và Brunei.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Ong Ye Kung cho hay động thái này là một bước đi thận trọng nhằm hồi sinh hoạt động tại sân bay Changi cũng như hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines (SIA).

Ông Ong nói rằng tỷ lệ lây nhiễm thấp giữa các quốc gia cùng biện pháp xét nghiệm ngay khi đến nơi chứng tỏ nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất rất thấp và hoàn toàn có thể kiểm soát được. "Tôi tin rằng chúng ta có thể kiểm soát, giữ an toàn cho Singapore và du khách, đồng thời từng bước hồi sinh ngành hàng không”, ông Ong chia sẻ.

Giải thích về việc chủ động đưa ra các biện pháp đơn phương thay vì chờ đợi một thỏa thuận song phương, ông Ong cho biết quyết định mở cửa với New Zealand và Brunei là một tín hiệu tích cực, đánh dấu sự cởi mở chưa từng có trong lịch sử Singapore đồng thời báo hiệu cho các quốc gia khác về tâm thế “luôn sẵn sàng mở cửa cho các hoạt động kinh doanh” của Đảo quốc.

{keywords}
Nỗ lực nối lại các đường bay

Trước đó, Singapore chỉ cho phép di chuyển xuyên biên giới cho các mục đích đi lại thiết yếu và công vụ cho một vài quốc gia như Malaysia và một số tỉnh ở Trung Quốc. Chính quyền thành phố cũng đồng ý nối lại di chuyển xuyên biên giới phục vụ mục đích kinh doanh thiết yếu với Nhật Bản, với các chi tiết dự kiến được chốt vào đầu tháng 9.

Ngoài ra, hành khách đến từ một số địa điểm có nguy cơ lây nhiễm thấp như Việt Nam, Úc (ngoại trừ bang Victoria), Trung Quốc, Ma Cao, Đài Loan và Malaysia sẽ chỉ phải cách ly tại nhà trong 7 ngày thay vì 14 ngày như hiện tại.

Nền kinh tế Singapore trong quý II/2020 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn nhiều lần so với quý I trước đó, đẩy đảo quốc Sư tử đối mặt với vòng xoáy suy thoái kinh tế.

Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) Conrad Clifford hoan nghênh quyết định của Singapore và kêu gọi các quốc gia khác hành động tương tự để khôi phục hàng không, phục hồi du lịch, phát triển kinh tế.

Tại châu Á, một số nước như Bangladesh, Brunei, Cambodia, Sri Lanka, Lebanon, Hàn Quốc và Maldives mở cửa lại cho khách du lịch với những yêu cầu cho người nhập cảnh bao gồm cung cấp giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hoặc cách ly tập trung.

Tại Ghana, Chính phủ nước này thông báo sẽ khôi phục đường bay quốc tế từ ngày 1/9, nhưng vẫn áp dụng các quy định về an toàn y tế phòng chống lây nhiễm virus.

Khoản lỗ khoảng 880 tỷ USD

Niềm hy vọng lớn nhất của ngành hàng không thế giới chính là đại dịch nguy hiểm sớm được dập tắt để những lệnh hạn chế nghiêm ngặt kia nhanh chóng được dỡ bỏ, mọi thứ có thể trở lại bình thường.

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), sự kết hợp giữa huỷ chuyến bay và hạn chế nhập cảnh đã khiến công nghiệp hàng không lỗ khoảng 880 tỷ USD. Công ty khảo sát thị trường CAPA dự đoán tới cuối năm 2020, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới sẽ phá sản.

{keywords}
Hàng nghìn máy bay chật vật tìm bến đậu

Giám đốc điều hành Carsten Spohr của Lufthansa cho hay, sự lây lan của dịch bệnh đang đặt toàn bộ nền kinh tế toàn cầu và công ty vào tình trạng khẩn cấp chưa từng có tiền lệ. Vào thời điểm này, không ai có thể thấy trước được hậu quả.

Theo CAPA, một số hãng hàng không có thể buộc phải phá sản kỹ thuật hoặc không hoàn thành nghĩa vụ vay nếu chính phủ không kịp thời hỗ trợ. Vì vai trò cực kỳ quan trọng với an ninh và kinh tế, chính phủ các nước dù ít hay nhiều cũng phải giải cứu các hãng hàng không.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thông qua các gói kích thích nền kinh tế ứng phó với khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh tạo ra. Hầu hết, các chính phủ đều khẳng định hàng không là ngành đứng đầu trong danh sách ưu tiên giải cứu.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này đã giải ngân 12,4 tỷ USD trong gói cứu trợ dành cho 93 hãng hàng không. Những hãng hàng không nhận được tiền hỗ trợ trả lương từ 50 triệu USD trở xuống và các nhà thầu nhận được 37,5 triệu USD trở xuống sẽ không phải đưa ra các các công cụ tài chính để đổi lấy khoản cứu trợ.

Chính phủ Đức và EC đã thống nhất được những điểm chính trong đàm phán cho gói cứu trợ Lufthansa. Theo đó, để nhận được số tiền cứu trợ 9 tỷ euro (hơn 10 tỷ USD) từ Chính phủ Đức, hãng hàng không này phải chấp nhận rút 8 máy bay với tổng số 24 vị trí cất cánh và hạ cánh ở hai sân bay Frankfurt/Main và München (4 máy bay mỗi sân bay).

Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ làm tất cả những gì cần thiết để cứu trợ cho hãng hàng không liên doanh Air France/KLM (Pháp sở hữu 15%, Hà Lan 13%) với khoản vay 6 tỷ euro. Chính phủ Ý chi ra 600 triệu euro để một lần nữa kể từ năm 2005 quốc hữu hóa Alitalia, hãng hàng không lớn nhất nước này.

Bảo Anh