Tuy tương lai chưa biết thế nào nhưng hy vọng rằng họ có thể vượt qua, như cách một chủ đầu tư khách sạn nhỏ tại Hà Nội đã trải qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và 2012 trước đây.
Câu chuyện là những trải nghiệm thực tế của anh Lê Quốc Việt, nhà sáng lập website Hoteljob.vn, đồng thời cũng là chủ nhân khu biệt thự du lịch Santa Sea Villa tại Hội An.

Khởi nghiệp khách sạn năm 2008 và suýt mất nhà

Cuối năm 2007, khi đang làm quản lý tại một resort thì bạn tôi chạy đến tận văn phòng, "bắt" ký hồ sơ thành lập doanh nghiệp. "Xã hội đang hừng hực, Vn-index lên gần 1.200 rồi, ông còn cứ đi làm thuê đến bao giờ nữa". Vốn cả nể, tôi ký, và thế là công ty cổ phần với 3 cổ đông ra đời.

Dằn vặt mãi rồi tôi cũng xin nghỉ việc để toàn tâm toàn ý cho công ty non trẻ. Với thế mạnh là kinh nghiệm quản lý khách sạn, chúng tôi bắt tay tìm kiếm nhà thuê để làm. Đây rồi, một khách sạn cũ ở Triệu Việt Vương cho thuê, 23 phòng, không lớn lắm, nhưng cũng chấp nhận được. Khu này nhiều khách Nhật Bản, đúng tiêu chí cần tìm. Tiền thuê nhà là 6.000 USD/ tháng, đồng nghĩa số tiền góp ban đầu của các cổ đông đủ để đặt cọc 1 tháng tiền nhà. Chốt, ký hợp đồng thuê luôn và ngay.

Tiền đầu tư, cải tạo và 6 tháng thuê nhà trả trước hết khoảng 3 tỷ (3 tỷ ở thời điểm 2007 to lắm nhé), tất nhiên chỉ trông vào ngân hàng. Đúng lúc đó, khủng hoảng tài chính 2008 xảy ra và lan đến Việt Nam. Hợp đồng thuê nhà đã ký, cọc đã đặt, không nhẽ bỏ cuộc?

Không, chắc chắn không. Tôi nhờ gia đình cho mượn sổ đỏ và ký bão lãnh thế chấp để vay vốn với lãi suất 22%/năm. Chỉ có 1 tháng được miễn tiền thuê nhà để cải tạo nên tất cả vắt chân lên cổ mà chạy. Chúng tôi cũng không kịp thuê thiết kế, cứ với tờ giấy A4, cái bút chì và cục tẩy, theo tỷ lệ 1cm trên giấy là 1m thực tế, vẽ ra cho thợ làm.

{keywords}
Đoàn khách đầu tiên được khách sạn Santa Hotel tiếp đón. Ảnh: Lê Quốc Việt.

4 tuần liền tôi gần như ăn, ở luôn tại công trường, lo chẳng ngủ được, ngót mất gần yến thịt. Vừa sửa chữa, đặt đồ nội thất, mua sắm trang thiết bị, vừa tuyển dụng, đào tạo, lên sales kit và tìm kiếm khách hàng... gói gọn trong 30 ngày.

Ơn trời, mọi cái vẫn kiểm soát được. 9 giờ sáng ngày cuối cùng, xe tải chở nốt đồ nội thất đến, kê xong vào các phòng thì 11h30, 2 xe 45 chỗ to đùng đỗ trước cửa khách sạn. Một đoàn khách vào ở, một đoàn vào dùng bữa trưa rồi mới về khách sạn khác check-in. Rất may, ai cũng hài lòng, không hề có sự cố nào xảy ra cho dù phải chạy hơn 100% công suất ngay từ ngày đầu tiên.

Sau lượt khách này, chúng tôi đón khách Nhật Bản. Tháng đầu tiên được gần 70% công suất phòng còn những tháng sau thì gần như kín chỗ. Mặc dù đang khủng hoảng, nhưng chuyên gia Nhật vẫn sang ở đều và dài hạn.

Nhưng... đời không như mơ

Đến tháng thứ 4 thì nhà bên cạnh bắt đầu đào móng xây tòa văn phòng cao 9 tầng. Đang trong cơn khủng hoảng kinh tế, khách đã hiếm, lại thêm cú đập này, nhiều đêm tôi lo tới thức trắng: Sợ khách trả phòng đi hết, trong khi áp lực nợ ngân hàng đè nặng, riêng tiền lãi đã là 55 triệu/tháng.

Ồn và bụi là điều khách Nhật rất sợ. Nhất là những hôm đổ bê tông đêm, máy nén uỳnh uỳnh đến 3h sáng. Những hôm đó, khách sạn đều phải gửi thư thông báo trước, đề xuất giải pháp là chuyển tạm khách sang một khách sạn ở gần, đồng thời gửi kèm... đôi bông nút tai. Lần khác thì ngay giữa đêm, cốp pha bị vỡ, bê tông nhão đạp toang cửa kính, tràn sang ngập hành lang. May mắn là tất cả khách đều thông cảm, họ thấy ở chúng tôi tinh thần trách nhiệm, cầu thị nên vui vẻ ở tiếp.

Cứ vậy nửa năm trời với hơn chục đêm trực chiến thì công trình bên cạnh cũng xong. Nguồn thu của khách sạn vẫn đủ để trả gốc và lãi cho ngân hàng, tiền thuê nhà, tiền trả lương cho nhân viên đều đặn. Mỗi tháng dư ra được chút thì chúng tôi thống nhất tích lại để trả nợ ngân hàng trước hạn. Vậy là hợp đồng vay 3 năm thì chúng tôi chỉ vay 2 năm rưỡi, sổ đỏ đã được lấy về. Khủng hoảng cũng qua đi lúc nào chẳng rõ nữa.

(Theo Tổ quốc)