Ngày 9/11, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức hội thảo “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày hôm nay. Đây là một trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 6/12.

{keywords}
Sự kiện thường niên của Ban Kinh tế Trung ương là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm về cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa(HĐH) đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Việt Nam trở thành đối tác hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên...

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức hiển, quá trình CNH, HĐH đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn) quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa đầy đủ.

Nhiều tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt như GDP bình quân đầu người, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người, tỉ trọng nông nghiệp trong GDP, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỉ lệ đô thị hoá, chỉ số phát triển con người, chỉ số bất bình đẳng thu nhập, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch...

Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được các mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ then chốt được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là “đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Hiển đánh giá điểm xuất phát của Việt Nam còn nhiều điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, vậy làm thế nào để Việt Nam có thể thực hiện được thành công quá trình CNH, HĐH đất nước. Do đó, cần phải xác định được mô hình, con đường CNH, HĐH và lựa chọn chính sách cho phù hợp.

Thông tin thêm về tình hình phát triên công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Năm 2020, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 16,7%. Tỉ trọng các ngành công nghiệp công nghệ trung bình và cao chiếm 40% về giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành chế biến chế tạo.

Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho thấy, với thang điểm 5, hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.

"Quá trình chuyển đổi trong 3 năm vừa qua tương đối chậm chạp, ít thay đổi do nguồn lực, nội lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều", ông Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, yêu cầu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam phải đặt trong bối cảnh mới, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu đã thay đổi.

Do đó, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp (đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật về phát triển công nghiệp trình Chính phủ và Quốc hội thông qua). Ông Hải cũng lưu ý phải thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về công nghiệp hoá, hiện đại hoá (chuyển dịch từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc gia công, lắp ráp sang chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh nền công nghiệp trong nước)

Lương Bằng

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2000 đại biểu trong nước và quốc tế.