Theo South China Morning Post, nhiều tập đoàn nhà nước Trung Quốc đối mặt áp lực phải trả nợ trong năm nay do chính quyền Bắc Kinh siết chặt tăng trưởng tín dụng. Viện Tài chính và Phát triển Trung Quốc (NIFD) cho biết năm ngoái, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ 11,1 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2014.

"Các số liệu cho thấy một trong những thách thức lớn của nền kinh tế Trung Quốc là phải giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước - thuộc cả các ngành kinh tế thực và ngành tài chính - nợ quá lớn", SCMP dẫn lời Chủ tịch NIFD Li Yang khẳng định.

Tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc đạt đỉnh vào quý IV/2020, nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy tăng trưởng tín dụng quốc gia chậm lại hai tháng liên tiếp, xuống 13,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái.

{keywords}
Công ty khai thác than Yongcheng Coal & Electric Holding Group (tỉnh Hà Nam) vỡ nợ hồi tháng 11/2020 với số tiền nợ lên tới 1 tỷ NDT (154 triệu USD). Ảnh: Reuters.

Nợ tăng do nới lỏng tín dụng

“Trung Quốc đang thắt chặt quản lý tín dụng để đảm bảo sự cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và hạn chế rủi ro. Hiện tại, Bắc Kinh đang duy trì cách tiếp cận thận trọng và linh hoạt đối với việc nới lỏng định lượng", hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's nhận xét.

Ông Liu Jinsong, Phó chủ tịch ICBC Wealth Management, cho biết tổng nợ tăng tại hầu hết công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hồi năm ngoái là hậu quả của việc nới lỏng tín dụng. “Trung Quốc dường như đang thắt chặt tín dụng, do đó tình trạng doanh nghiệp nhà nước yếu kém vỡ nợ rất dễ lây lan. Làn sóng vỡ nợ sẽ tác động đến toàn bộ thị trường tín dụng”, ông Liu nói.

Hồi tháng tháng 11/2020, công ty khai thác than Yongcheng Coal & Electric Holding Group tại tỉnh Hà Nam vỡ nợ vì không có khả năng thanh toán khoản nợ trái phiếu 1 tỷ NDT (154 triệu USD) cả gốc và lãi, mặc dù công ty này được xếp hạng tín dụng AAA. Vụ việc dẫn tới làn sóng bán tháo trái phiếu trên toàn thị trường.

Nhiều công ty chứng khoán, kế toán và hãng xếp hạng tín dụng có liên quan tới vụ bê bối đã bị nhà chức trách Trung Quốc triệu tập để điều tra. Các nhà đầu tư mất niềm tin, do đó nhiều công ty nhà nước Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch bán trái phiếu mặc dù được xếp hạng tín dụng tốt.

{keywords}
Nhiều công ty nhà nước Trung Quốc được xếp hạng tín dụng tốt nhưng có tỷ lệ nợ xấu rất cao. Ảnh: SCMP.

Trái phiếu của nhiều công ty Trung Quốc - bao gồm doanh nghiệp nhà nước - được đánh giá là có tỷ lệ rủi ro vỡ nợ thấp. Tuy nhiên, thống kê của NIFD cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các công ty được xếp hạng AA+ lên tới 82%.

“Ngay khi thị trường đi xuống, mọi người phát hiện nhiều trái phiếu xếp hạng AAA và AA đều trở thành trái phiếu rác”, Chủ tịch NIFD Li cho biết. “Các cơ quan liên quan đã nhận ra vấn đề này và đang giám sát chặt chẽ".

Nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được xếp hạng rủi ro vỡ nợ thấp nhưng lợi nhuận thấp, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Hơn nữa, sức khỏe tài chính của các công ty này có thể trở nên tồi tệ hơn khi chính quyền Bắc Kinh dần rút lại các biện pháp kích thích thị trường tín dụng. Điều đó có nghĩa lãi suất sẽ tăng, làm tăng chi phí đi vay của các công ty.

Vấn nạn công ty xác sống

Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc áp dụng hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế nhằm đối phó với tác động của dịch Covid-19, bao gồm giảm thuế, tăng phát hành trái phiếu để đổ vốn vào các dự án hạ tầng ở địa phương. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 3,6% GDP. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng rót hàng nghìn tỷ NDT vào thị trường tài chính, đẩy lãi suất giảm mạnh.

“Một trái phiếu AA tốt sẽ ổn hơn nhiều so với một trái phiếu AAA tệ, do đó chúng ta không thể chỉ nhìn vào xếp hạng tín dụng", ông Yun Zhanhua, Phó chủ tịch First Capital Securities, nhận xét. Ông Yun cũng cho rằng các nhà đầu tư cần tránh những doanh nghiệp nhà nước được xếp hạng AAA nhưng chịu gánh nặng nợ vượt quá khả năng kiểm soát.

"Các doanh nghiệp nhà nước đã tích tục nợ từ nhiều năm qua. Rất khó để thay đổi thực trạng này. Sẽ rất nguy hiểm nếu như chuỗi huy động vốn bị phá vỡ", ông Yun nhấn mạnh nói. Một số ngành như than đã lao đao vì giá giảm và gánh nặng nhân lực quá lớn, do đó gặp rất nhiều khó khăn.

Các quan chức Trung Quốc nhiều lần cảnh báo về hậu quả của các biện pháp kích thích kinh tế khẩn cấp hồi năm ngoái. Đây là nguyên nhân đẩy tổng nợ Trung Quốc lên 266,4% GDP vào cuối quý III/2020. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) dự đoán tỷ lệ này có thể chạm mức 275% trong cả năm 2020.

{keywords}
Tổng nợ Trung Quốc có thể tăng lên tới 275% GDP vào cuối năm 2020. Ảnh: Getty Images.

Ông Li - cựu Phó chủ tịch CASS - cảnh báo việc duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng “công ty xác sống” tại Trung Quốc. Những công ty này thường là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh lỗ triền miên, đã mất khả năng thanh toán nhưng vẫn cầm cự nhờ vào các khoản vay ngân hàng và trợ cấp từ chính phủ.

“Doanh nghiệp thường hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế, bao gồm lãi suất vay thấp và cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng. Tuy nhiên, chính những điều kiện thuận lợi này khiến tình trạng công ty xác sống lan rộng tại Trung Quốc”, ông Li cảnh báo.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang tuyên bố chính quyền Bắc Kinh sẽ duy trì ổn định chính sách tiền tệ trong năm 2021, và thanh khoản sẽ được đảm bảo.

(Theo Zing)