Với khoảng 3 triệu lao động toàn ngành, đồng thời môi trường làm việc tập trung tại các nhà máy, dệt may là một trong những ngành có nguy cơ cao nhất trong những nhóm ngành dễ lây lan dịch bệnh.

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch nCoV ngày 3/2, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh: “Nếu có công nhân, người lao động bị nhiễm bệnh, toàn bộ Nhà máy sẽ bị cách ly, cô lập, có thể sẽ phải ngừng sản xuất”.

{keywords}
Cập nhật về dịch corona ở Việt Nam.

“Lo cho từng cán bộ công nhân viên, người lao động là lo cho nhà máy của mình. Nếu bị dừng sản xuất, chúng ta có khả năng bị khách hàng phạt tiến độ”, ông Lê Tiến Trường lo ngại.

Minh chứng thêm, lãnh đạo Vinatex bày tỏ băn khoăn: Đặt giả sử một xưởng có một công nhân mắc bệnh, chỉ cần 2 tuần, chúng ta có nguy cơ mất toàn bộ hiệu quả của cả năm 2020 đối với ngành may.

Chính vì thế, lãnh đạo Vinatex đề nghị các đơn vị không chủ quan, quan tâm đến phòng ngừa dịch bệnh tại chính doanh nghiệp của mình.

“Đối với các DN lớn trong Tập đoàn như: May 10, May Hưng Yên, Hanosimex, Đức Giang… còn phía Nam là Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè… dù rằng áp lực không bằng các doanh nghiệp miền Bắc, nhưng nguy cơ không phải là nhỏ”, ông Lê Tiến Trường đánh giá.

Do đó, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may yêu cầu các doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ khẩu trang, dụng cụ vệ sinh cho người lao động tại các khu vực. Đồng thời siết chặt quản lý về thực phẩm, nhà ăn trong thời kỳ mưa ẩm tại miền Bắc, thực phẩm sau Tết khan hiếm, giá cả leo thang.

Ngoài ra, phải có biện pháp đo, kiểm tra thân nhiệt đầu giờ làm việc, nhất là đối với các doanh nghiệp may, tránh tình trạng công nhân đã “ủ bệnh” tới làm việc. Thêm vào đó, hỗ trợ các doanh nghiệp về các dụng cụ, thiết bị y tế khi gặp phải tình trạng khan hiếm, khó khăn ngoài thị trường, không được để cho công nhân thiếu nước rửa tay, khẩu trang, trước hết là các đơn vị phía Bắc.

Không khí chống dịch ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng hết sức khẩn trương. Ở các đơn vị thành viên của EVN, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cũng được chuẩn bị rốt ráo. Trong đó, tại các Phòng giao dịch đều đặt sẵn khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tại tất cả các phòng giao dịch để khách hàng sử dụng miễn phí. Đồng thời yêu cầu giao dịch viên tại quầy giao dịch và nhân viên tiếp xúc khách hàng bên ngoài trụ sở đều phải mang khẩu trang khi giao tiếp.

{keywords}
Đo thân nhiệt ở tòa nhà EVN.

Nhiều doanh nghiệp FDI cũng đang căng mình ứng phó với nguy cơ của dịch bệnh nguy hiểm này, trong đó nhiều doanh nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân.

Những ngày này, các nhà máy của Samsung Việt Nam đang căng mình triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch viêm phổi cấp do virut corona gây ra. Với hàng trăm nghìn công nhân làm việc tại các nhà máy, những lo lắng của Samsung là cần thiết.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Samsung Việt Nam cho biết: Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm do nCoV gây ra, Samsung Việt Nam đã triển khai kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng nhà máy, đề nghị nhân viên đeo khẩu trang đi làm và trong suốt quá trình làm việc, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và liên tục tuyên truyền về các biện pháp phòng chống nCoV.

Đại diện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, tạm thời không tiếp nhận tất cả nhân viên, công nhân người Trung Quốc về quê ăn Tết ở Trung Quốc quay trở lại Formosa Hà Tĩnh làm việc nhằm đảm bảo trong việc phòng, tránh chủng virus Corona mới (nCoV). Chỉ đến khi nào tình hình dịch được kiểm soát, công ty sẽ tiếp nhận trở lại. Với những nhân viên, công nhân người Trung Quốc trước khi sang Formosa Hà Tĩnh làm việc phải qua 3 lớp kiểm tra sức khỏe.

Trước tiên, theo Formoa Hà Tĩnh, nhân viên, công nhân đó phải được địa phương sở tại ở Trung Quốc kiểm tra sức khỏe và xác nhận trong 14 ngày không có biểu hiện gì của bệnh dịch virus corona. Khi qua cửa khẩu Việt Nam sẽ được các lực lượng chức năng kiểm tra sức khỏe lần hai. Khi vào đến cổng công ty sẽ được công ty kiểm tra thân nhiệt lần cuối trước khi vào làm việc.

Lương Bằng

'Đại gia' hàng không, thuỷ sản thiệt hại nặng vì virus corona

'Đại gia' hàng không, thuỷ sản thiệt hại nặng vì virus corona

539 mã giảm giá và 116 mã giảm sàn sáng nay đã bao phủ một không khí hoảng loạn khắp thị trường chứng khoán, trong đó, cổ phiếu hàng không, thuỷ sản vẫn là những mã chịu áp lực bán mạnh nhất do lo ngại tác động của virus corona.