Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý dự thảo Nghị quyết hỗ trợ Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trong đó, điều đầu tiên ban IV kiến nghị là miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020 cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng chiếm tới 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/3/2020 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn số 245/TLĐ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc.

{keywords}
Phí công đoàn chiếm tỷ trọng đáng kể trong các khoản chi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua khảo sát doanh nghiệp diện rộng và qua trao đổi trực tiếp cùng các hiệp hội doanh nghiệp, Ban IV đánh giá "doanh nghiệp hầu như không thực hiện được chính sách này".

Doanh nghiệp cho rằng, nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên.

Cho nên, chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự định.

Ban IV và các Hiệp hội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để trình Chính phủ (và trình Quốc hội nếu thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội) phương án cho phép doanh nghiệp miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020.

Ngoài ra, Ban IV đề xuất chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến 31/12/2020

Ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có công văn số 860/BHXH-BT để thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chinh phủ, cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu doanh nghiệp có “số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra”.

Đây cũng là chính sách được Ban IV đánh giá "các doanh nghiệp không thực hiện được", đặc biệt đối với việc chứng minh thiệt hại tài sản, bởi rất khó có tiêu chí, thước đo cụ thể để doanh nghiệp làm hồ sơ, cũng như thời gian cần để xác minh thì đặc biệt lâu vì nhiều thiệt hại không diễn biến hết ở những tháng trong dịch mà sẽ xảy ra ở những tháng kế tiếp (hàng tồn kho, các hợp đồng bị hoãn, hủy vô thời hạn, các đổ vỡ do chuỗi sản xuất dần đứt gãy... ).

Bên cạnh đó, khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỉ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được dòng tiền, tập trung chi phục hồi sản xuất kinh doanh, chi ổn định đời sống người lao động, các Hiệp hội và doanh nghiệp đặc biệt đề xuất và mong sự chia sẻ từ phía nhà nước với chính sách cho chậm nộp bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết 31/12/2020.

Ban IV đề nghị bổ sung thêm nội dung “Chính phủ xác nhận dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng” để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh trong các thỏa thuận liên quan.
Lý do là nhiều doanh nghiệp đã kí kết các hợp đồng trước khi dịch bệnh xảy ra và có nguy cơ mất toàn bộ tiền đặt cọc/tiền đã thanh toán nếu đại dịch này không được tính là một sự kiện bất khả kháng. 

Lương Bằng

Giảm thuế xăng dầu, hạ thuế phí ô tô... kích cầu hậu đại dịch

Giảm thuế xăng dầu, hạ thuế phí ô tô... kích cầu hậu đại dịch

 Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để trợ lực cho người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay vì dịch bệnh Covid-19.