Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ Danh mục bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, cụ thể thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay đã nhận được văn bản của 4/22 bộ đề xuất bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo Luật Quy hoạch.

{keywords}
Cây cao su không còn phụ thuộc vào quy hoạch. Ảnh:L.Bằng

Tổng số có 13 quy hoạch do 4 Bộ đề xuất bãi bỏ. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 quy hoạch thuộc đối tượng phải bãi bỏ là quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch phát triển hệ thống sân golf.

Bộ Công Thương đề xuất 4 quy hoạch thuộc đối tượng phải bãi bỏ là quy hoạch phát triển cơ khí đến năm 2025, tầm nhìn 2035; quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch phát triển công nghiệp hóa chất; quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ.

Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 2 quy hoạch là quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng và quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ 5 quy hoạch là quy hoạch phát triển thủy sản; quy hoạch phát triển cao su; quy hoạch phát triển mía đường; quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp; quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/11/2017, với 433/455 đại biểu tán thành đạt 88,19%, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch.

Dự thảo Luật Quy hoạch được Chính phủ trình ra Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV.

Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019; còn các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2018.

Hai trong số những tư tưởng đổi mới nổi bật của Luật Quy hoạch, đó là sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.

L.Bằng