Cửa đã mở, hàng Việt tìm đường vào EU

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.

Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã từng được ký kết. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

{keywords}
Việt Nam đã ký tất cả 12 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, cho rằng: Hiện EU là một trong đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15-20%/năm. Riêng năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU là hơn 50 tỷ USD.

Do hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính chất bổ trợ hơn là cạnh tranh, cho nên hiệp định EVFTA tác động mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ EU cũng có thể vào Việt Nam nhiều hơn khi cắt giảm hàng rào thuế quan. Mức tăng nhập khẩu sẽ không “tức thì ngay” mà sẽ tăng dần theo lộ trình cam kết.

Hiệp định bảo hộ đầu tư: Tạo niềm tin với nhà đầu tư EU

Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư cũng có ý nghĩa quan trọng. Hiệp định này bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Theo ông Lương Văn Khôi, hàng loạt quy định đề cập trong IPA được cho là sẽ tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài từ EU. Chẳng hạn, các cam kết về bảo hộ đầu tư, mở cửa thị trường còn cao hơn cả các cam kết trong WTO, hay cam kết về giải quyết tranh chấp trong quá trình đầu tư, thậm chí cả các quy định về một số hành vi mà Chính phủ không được làm, tránh làm phương hại đến lợi ích của nhà đầu tư,...

Đặc biệt trong IPA, Việt Nam có cam kết bảo hộ đầu tư. Việt Nam cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v...

“Các quy định này sẽ không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư từ EU, mà còn từ các quốc gia khác”, ông Khôi cho biết.

Đề cập đến một vấn đề rất có ý kiến với doanh nghiệp châu Âu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Bên cạnh hiệp định EVFTA, Việt Nam đã có hàng loạt hiệp định liên kết và kết nối liên thông với các thị trường khác như CPTPP, ASEAN với các đối tác,.. Như vậy, các nhà đầu tư châu Âu sẽ có điều kiện tiếp cận không chỉ với 100 triệu dân ở thị trường đang phát triển mạnh mẽ này mà còn 660 triệu dân ở thị trường khu vực ASEAN và còn rất nhiều quốc gia đối tác khác.

Vì vậy, đây cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư châu Âu khai thác được các thuận lợi, ưu đãi của các hoạt động thương mại đối với các khu vực thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ mở cửa thị trường, tăng cường thương mại, và giúp Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á. Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực để trở thành trung tâm đầu tư và thương mại trong khu vực, vị trí thuận lợi để thu hút vốn FDI từ châu Âu.

Về lâu dài, EuroCham đánh giá: Hiệp định EVFTA tăng cường thương mại và đầu tư trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cho cả các công dân Việt Nam, về phúc lợi xã hội, tiền lương, và tiêu chuẩn, nhờ đó, giúp việc đầu tư vào Việt Nam bền vững hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ: Trong bất cứ hiệp định nào, cơ hội cũng là 50-50. Điều quan trọng là phải biết tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức ở mỗi hiệp định.

Nhắc đến câu chuyện ngành thủy sản bị EU rút “thẻ vàng”, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo hiệp định với EU mở toang cánh cửa cho hàng Việt sang EU. Nhưng với những quy định khắt khe và chặt chẽ, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, nếu bị EU rút “thẻ đỏ” thì sẽ không phát huy được mặt tích cực của hiệp định quan trọng này.

Liên minh châu Âu (the European Union, gọi tắt là EU) bao gồm 28 nước thành viên: Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Anh, Ireland, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thuỵ Điển, Phần Lan, Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Malta, Sip, Bungary, Rumani, Croatia.

Tháng 6/2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA. 

Hà Duy