Giành quyền đăng cai F1 là hành trình đàm phán liên tục, nỗ lực trước những sức ép cực lớn từ những “ứng viên nặng ký” trong khu vực như Bangkok, Hongkong và Quảng Đông (Trung Quốc).

Những ngày cuối năm 2018, cụm từ “Vietnam GP”, “F1 Vietnam” nhanh chóng trở thành một từ khóa cực “nóng” trên mạng internet. Truyền thông khắp thế giới đã liên tục đưa tin về Hà Nội, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một chặng đua F1 từ mùa giải 2020. Chưa cần những phép tính phức tạp về doanh thu, rõ ràng về phương diện quảng bá hình ảnh đất nước, quyết định xin đăng cai một chặng đua F1 của Hà Nội đã có bước thành công lớn ngay từ những ngày đầu.

{keywords}
 

Ở các quốc gia đăng cai F1, Singapore vẫn là một điển hình của việc dùng giải đua xe Công thức 1 để thúc đẩy du lịch trong suốt 10 năm (từ năm 2008). Để triển khai đường đua F1 tại một quốc gia nhỏ hẹp như Singapore, Chính phủ Singapore đã tạo đường đua ngay trên đường phố trung tâm ở khu Marina Bay. Và chính đường đua trong phố diễn ra vào buổi tối càng khiến cho Singapore Grand Prix trở nên hấp dẫn hơn, như một đặc thù, trải nghiệm riêng mà không đâu có được. Theo ban tổ chức, có tới 40% khán giả của Singapore Grand Prix là người nước ngoài. Tính từ năm 2008, khi đường đua đêm bắt đầu được tổ chức thường niên tại Marina Bay, ước tính mỗi năm có 250.000 người đến Singapore để xem đua xe F1, đóng góp cho quốc đảo khoảng hơn 100 triệu USD mỗi năm, so với kinh phí tổ chức là 30 triệu USD.

Bài học từ Singapore qua việc tổ chức F1 cho thấy, nếu biết cách tận dụng và khai thác khéo léo, giải đua này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho quốc gia đăng cai.

Hà Nội vượt mặt Trung Quốc, Thái Lan ra sao?

F1 về Việt Nam, không ít người ngạc nhiên khi Hà Nội chiến thắng trước hàng loạt ứng cử viên nặng ký khác trong khu vực. Một thành viên tham gia đoàn đàm phán từ những ngày đầu cho biết thêm, ý tưởng về đường đua F1 tại Hà Nội được “thai nghén” từ năm 2014. Đến tháng 7/2016, đoàn công tác của UBND thành phố lần đầu tiên chính thức tìm hiểu về F1 tại Australia. Đa số thành viên đoàn đều lần đầu tiên tiếp cận với những kiến thức về F1. Mọi con số đều ở mức “choáng ngợp” cho một cuộc đua công nghệ, doanh thu mà “cỗ máy in tiền F1” tạo ra.

Ông Lương Thanh Nghị, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Australia chia sẻ: “Tôi có dịp được cùng đoàn công tác do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dẫn đầu thăm và làm việc với Australia Grand Prix Corporation - công ty tổ chức Formula One tại Melbourne từ 1996.

Khi chúng ta tìm hiểu và đặt vấn đề Australia hỗ trợ đăng cai và kinh nghiệm tổ chức, phía bạn rất hào hứng và nhiệt tình, đánh giá Hà Nội sẽ trở thành một điểm đua hấp dẫn ở khu vực. Qua hơn 2 năm kiên trì đàm phán, cuối cùng Hà Nội đã giành được quyền đăng cai, thể hiện quyết tâm rất lớn của Hà Nội trong việc tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế lớn.

Ông Nghị cũng tiết lộ thêm, ông Ron Walker –một doanh nhân nổi tiếng tại Australia, người đưa F1 về “xứ sở chuột túi” đưa ra nhiều lời khuyên từ vấn đề hạ tầng, công tác tổ chức, dịch vụ… để đoàn đàm phán xây dựng phương án khả thi. Ông Ron Walker cũng là người có uy tín và có quan hệ gần gũi với lãnh đạo F1 thế giới.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Australia, một bộ hồ sơ rất bài bản được Hà Nội soạn thảo để gửi cho Công ty tổ chức F1. Cùng với Hà Nội còn có Bangkok (Thái Lan), Hongkong, Quảng Đông (Trung Quốc) cũng nộp hồ sơ xin đăng cai giải đua. Đáng chú ý, Bangkok đã nộp hồ sơ trước Hà Nội từ lâu và vận động trong suốt 5 năm.

Lãnh đạo thành phố cũng xác định, đây là “cơ hội vàng” bởi không thể có cùng lúc 2 chặng đua mới trong một thời điểm. Đến ngày 4/5/2017,ông Chase Carey- Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Formula One Management Limited (Công ty nắm quyền thương mại tổ chức F1) sang thăm Hà Nội. Ông Carey được Chủ tịch Hà Nội mời đi khảo sát các địa điểm tiềm năng bằng trực thăng.

Đầu tháng 10/2017, ông Carey đến thăm Hà Nội lần 2. Cùng đi với ông là các thành viên có tiếng nói quan trọng của Công ty Formula One Management Limited trong việc thẩm định, đánh giá những yếu tố cần thiết, phù hợp để đăng cai chặng đua Công thức 1.

Từ ngày 28/8 đến ngày 31/8, đoàn công tác của thành phố Hà Nội do chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dẫn đầu có chuyến công tác tại thủ đô London, Anh để làm việc với nhóm công tác của F1 nhằm hoàn thiện và tổ chức lễ kí hợp đồng để Hà Nội đăng cai một chặng đua F1.

Về lễ ký kết tại London, Chủ tịchUBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ tại buổi họp báo công bố giải đua: “Lúc đặt bút ký hợp đồng tại London vào cuối tháng 8 vừa qua, tôi nói với ông Chase Carey làm thế nào để F1 không còn là cuộc đua quá xa xỉ, chỉ dành cho nhà giàu. Hà Nội sẽ tổ chức nhiều chương trình phụ trợ, hấp dẫn để thu hút nhiều tầng lớp khán giả. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là sẽ biến đường đua F1 tại Hà Nội trở thành đường đua hấp dẫn nhất trong tương lai”.

Đây cũng là cơ hội để giới thiệu quảng bá, nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của thành phố. Là dịp để giao lưu, xúc tiến đầu tư giữa nước ngoài và Việt Nam, tăng cường kết nối với các quốc gia và thành phố cùng tổ chức giải đua. Đây cũng là dịp để chúng ta học hỏi được các công nghệ mới trong lĩnh vực ô tô, điều khiển, dịch vụ logistic, dịch vụ hàng không, các ngành công nghiệp phụ trợ, công tác chăm sóc, cấp cứu vận động viên, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, kích cầu tiêu dùng…

{keywords}
Khu vực SVĐ Mỹ Đình nơi đang được xây dựng triển khai đường đua Công thức 1

Về lý do chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức đường đua F1, ông Chase Carey thông tin, đầu năm 2017, chúng tôi nhận được thông tin rằng có sự quan tâm lớn tới F1 từ phía thành phố Hà Nội. Đến tháng 5/2017, tôi đến Hà Nội và bắt đầu có những sự tiếp xúc đầu tiên với đối tác.Chúng tôi đã gặp nhau 4 lần và phía Việt Nam cũng đã sang tận London. Trong quá trình trao đổi, càng về sau Hà Nội càng thể hiện rõ quyết tâm để tổ chức ý định tổ chức một chặng đua F1. Lãnh đạo Hà Nội đưa ra được tầm nhìn, năng lực tổ chức phù hợp với định hướng của Ban tổ chức F1, đó là việc phát triển môn thể thao sẽ tạo ra một làn không khí tươi mới trong làng đua xe thế giới.

Đường đua F1 từng dự kiến đặt trong phố cổ

Trước khi đi đến quyết định lựa chọn Mỹ Đình là nơi đặt đường đua phố tại Việt Nam có 2 lựa chọn địa điểm khác. Phương án cực kỳ hấp dẫn là đua trong phố cổ, qua các địa danh nổi tiếng như: Hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khách sạn Metropole… với chiều dài dự kiến 5,7km. Tuy nhiên, phương án đảm bảo an toàn, an ninh cũng như phân luồng giao thông là một thách thức không nhỏ với ban tổ chức chặng đua.

Phương án thứ hai được đưa ra là đặt đường đua tại Vân Trì. Đường đua tại Vân Trì được thiết kế với chiều dài một vòng đua là 6,434 km. Tuy nhiên, chi phí cũng như thời gian để hoàn thiện một tổ hợp đua hoàn toàn mới cũng là một bài toán khó. Và cuối cùng phương án tổ chức chặng đua tại Mỹ Đình được lựa chọn.

Việt Nam sẽ chính thức gia nhập làng F1 từ năm 2020 trong giao kèo có thời hạn 10 năm và được đàm phán gia hạn từ năm thứ 8. Đường đua ở Hà Nội có 22 khúc cua, xuất phát từ sân vận động quốc gia Mỹ Đình, sau đó đến đại lộ Thăng Long rồi quay trở lại sân Mỹ Đình với tổng chiều dài 5.565 km.Được biết, mỗi mùa giải F1 thu hút hàng triệu người hâm mộ theo dõi trên khắp thế giới.


(Theo Tiền phong)