Ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tình trạng trẻ con nô đùa nghịch trong khi cách âm tại các chung cư chưa được chủ đầu tư coi trọng dẫn tới tình trạng nhiều gia đình rơi vào cảnh khóc dở mếu dở.

Chia sẻ trên diễn đàn cư dân ở Linh Đàm, anh Đ.T, cho hay, gia đình anh thường xuyên nghe thấy rất nhiều tiếng động lạ (chạy nhảy, gõ, xê bàn ghế) ầm ầm ở trên trần nhà. Ban ngày những âm thanh này còn nhỏ, nhưng vào tuổi tối từ 9-10h trở đi nghe rất khó chịu.

Nhà có con nhỏ, mấy tuần nay cháu thường xuyên khó ngủ và tỉnh giấc vì âm thanh này. Sau khi từ nhắc nhở, đến nịnh nọt với nhà trên cũng chỉ may ra bớt đi một phần cái sự ồn ào đó do cách sinh hoạt và giờ giấc của họ khác mình, anh Đ.T. kể.

{keywords}
Dân chung cư khổ vì cách âm kém (ảnh chụp group cư dân)

Anh cho hay, nghĩ trẻ con trên tầng đùa nghịch ngoài hàng lang nên anh có chạy bộ lên mấy lần, nhưng không hề thấy ai. “Em tính hỏi các bác tầng trên cùng trục, nhưng vì chung cư mình cách âm kém và hiệu ứng vọng âm thanh, nên không biết có phải âm thanh từ tầng trên hay không, hay là có thể là tầng dưới, nên em cũng ngại không dám hỏi. Sợ không phải, lại làm phiền hàng xóm”, anh chia sẻ.

Ngay sau khi thông tin này được đưa lên diễn đàn của chung cư, rất nhiều cư dân khác trong toà nhà cũng tố phải chịu chung nỗi khổ. “Nhà em tầng 6 nhưng tối tối cũng nghe thấy tiếng mà không biết tầng nào. Còn cả tiếng nước chảy nữa”, một cư dân cho hay.

“Nhà em tầng 19 mà thấy các bác tầng trên tầm 22-23h đêm hoặc giữa trưa 11-12h thấy gõ gạch xuống sàn nhà. Nhà có con bé đến là khổ”, cư dân bức xúc.

Để giảm tiếng ồn, một số gia đình còn xuống nước, năn nỉ. “Mình đã lên nói nhẹ, nhắc khéo, nịnh bợ,... đủ cả nhưng chỉ được một lúc đâu lại hoàn đó. Đêm hôm thì nhà đó thường thức tới 1-2h sáng, chân chạy rồi đi lại thình thịch, mở cửa rầm rầm. Hôm vừa rồi xin được điện thoại nhà họ gọi lên 3 hôm nay, nhưng cũng hàng tiếng sau mới tạm đỡ mà vẫn còn tiếng động nhỏ tới 2h sáng mới ngừng”, cư dân bình luận.

Không truy được thủ phạm, không ít chủ nhà bị mắng oan. “Hàng xóm nhà em đợt trước không ở còn bị hộ tầng dưới dán giấy ở cửa do buổi tối gây ồn. Nhà em con đi ngủ rồi còn bị tầng dưới lên ý kiến”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, cư dân cho hay.

{keywords}
Dở khóc dở cười vì tiếng ồn chung cư (ảnh group cư dân)

Tương tự, một cư dân ở chung cư HH Linh Đàm bức xúc, khi mở cửa đi làm chị thấy có tờ giấy kẹp ở cửa nhà và các căn bên cạnh, chắc người viết giấy nghĩ rằng tầng này là thủ phạm gây tiếng ồn. Trong khi, chính gia đình chị và mọi người cùng tầng cũng là nạn nhân và đang rất khó chịu với tiếng ồn. Nhà nuôi con nhỏ, chị đã nhiều lần lên tầng trên gõ cửa nhờ can thiệp nhưng cũng chỉ yên được một lúc.

“Cứ giữa trưa và đêm là cộc cộc ở trên đầu, cụ thể làm việc gì đó ở ban công, gõ đập rất mạnh. Nhưng cứ khi nào chạy lên hỏi là thấy yên nhưng sau đó lại tiếp tục. Mới gần, đây 23h30 rồi mà họ hồn nhiên đập rất mạnh và kéo dài đến 15 phút. Không hiểu người làm việc đấy có suy nghĩ rằng họ đang làm ảnh hưởng đến những người xung quanh hay không?”, chị cho hay.

Theo chia sẻ của ban quản lý, hiện nay cư dân sống ở chung cư hầu hết là gia đình trẻ, trẻ con đang tuổi nô nghịch. Giờ lại đang trong kỳ nghỉ học vì dịch, ở nhà lâu không tránh được lịch sinh hoạt bị muộn. Hơn nữa, nhà trần thấp, cách âm kém, đôi khi tiếng động nhỏ cũng bị vọng. Bên cạnh đó, một phần thiết kế và thi công nhà kém chất lượng nên khó tránh được hiện tượng dội âm từ sàn trên do lớp sàn không được cách âm và mỏng.

Trong khi đó, vấn đề cách âm chung cư khó giải quyết triệt để, còn việc chuyển nhà đi nơi khác là hạ sách, người dân chung cư đành tìm cách thích nghi với những âm thanh này.

“Mình xem và hỏi về chống ồn trên mạng thì thấy chưa có giải pháp nào khả thi, vì họ chỉ nói về cách âm cho phòng hát, vũ trường (tiêu âm), còn nhà mình là âm từ trên xuống chứ không phải là tránh ko phát ra ngoài”, cư dân bình luận.

"Mọi người thông cảm cho nhau sẽ nhẹ nhàng hơn, trừ việc làm ồn quá đáng... Mình lúc đầu cũng hơi stress tiếng ồn này, sau có mẹo nhỏ là hướng sự chú ý sang cái khác vì càng chú ý càng khó chịu. Giờ dịch ở nhà nhiều càng dễ ức chế nên cùng đưa ra ý tưởng giải trí”, cư dân Tuyết Nguyễn cho hay.

Bảo Anh