Tranh cãi về điều kiện kinh doanh ô tô nhập khẩu đang ngày càng căng thẳng. Trong buổi sáng 11/8, khi các bên đang họp bàn về vấn đề này thì ở ngoài các DN lại tiếp tục căng băng rôn kêu gọi tạo điều kiện cho DN được rộng đường kinh doanh.

Hết hiệu lực vẫn có tác dụng?

Buổi sáng 11/8, các doanh nghiệp (DN) nhỏ kinh doanh ô tô nhập khẩu lại tiếp tục căng băng rôn, trên xe ô tô, tại khu vực sân Vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Đây là lần thứ 2, các DN này áp dụng cách này để bày tỏ ý kiến về vấn đề kinh doanh ô tô nhập khẩu đang gây tranh cãi. Lần trước, các băng rôn nội dung này cũng được căng trước cổng Bộ Công thương vào ngày 29/7.

Ông Vũ Huy Chỉnh, Công ty TNHH ô tô Đông Hải cho biết, nghe tin sáng 11/8, Bộ Công thương có họp về kinh doanh ô tô tại khách sạn Crown Plaza (Mỹ Đình), nên chúng tôi đưa xe dán băng rôn ra đây, bày tỏ mong muốn bãi bỏ những quy định của Thông tư 20 đã được ban hành từ hơn 5 năm trước.

{keywords}

{keywords} 

Ông chỉnh cho biết, DN của tôi nhập 3 chiếc ô tô 5 chỗ ngồi Samsung từ Hàn Quốc về bị ách lại tại cảng Hải Phòng không được thông quan.

Dù Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ 1/7/2016 nhưng Hải quan vẫn đòi đầy đủ các giấy tờ quy định tại Thông tư này. Giấy ủy quyền của nhà sản xuất chúng tôi có, nhưng Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp nay đã hết hạn, chưa xin lại được. Các DN suy luận, các quy định này đã hết hiệu lực, thì được tự do nhập khẩu, nay xe về cảng bị ách lại thiệt hại rất lớn.

"Chúng tôi mong muốn, các quy định trong Thông tư 20 được bãi bỏ, để DN được tự do kinh doanh", ông Chỉnh nói.

Cũng trong sáng 11/8, tại Mỹ Đình còn có cuộc tọa đàm về nhập ô tô, giữ hay bỏ Thông tư 20 đã xoay quanh rất nhiều khía cạnh về quyền tự do kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, lợi ích của quốc gia và lợi ích của DN...

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), xem xét kỹ thì thấy các quy định tại Thông tư 20 chỉ làm thiệt hại cho đối tượng các chủ gara ô tô, những DN nhỏ. Hàng loạt DN đang làm ăn bình thường, bỗng dưng ách tắc kinh doanh chỉ bởi đòi hỏi phải có giấy ủy quyền chính hãng khi nhập khẩu.

Ông Mại cho rằng, các quy định này đã trao quyền quyết định thị trường xe nhập khẩu cho các hãng ô tô nước ngoài. Thông thường, nhà sản xuất sẽ chỉ chọn một công ty để phân phối sản phẩm cho một thị trường. Qua đó, họ có thể "ép giá", hoặc đưa ra các điều kiện với các DN Việt Nam và gián tiếp lũng đoạn thị trường. Vì thế, cần bãi bỏ những quy định của Thông tư 20", GS Mại nói.

Tăng hàng rào kỹ thuật

Phát biểu với tư cách một chuyên gia, ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, bỏ hoàn toàn Thông tư 20 là điều không hợp lý.

Chúng ta đều thấy rõ một điều là các DN được cấp ủy quyền chính hãng được nhà sản xuất hỗ trợ, có ưu thế về mặt kỹ thuật trong bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa. Tuy nhiên, với ủy quyền chính hãng, đang gián tiếp tạo ra độc quyền. Nó làm hạn chế hoạt động kinh doanh của DN nhỏ và đi ngược lại với chủ trương tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả các thành phần.

{keywords}

Ông Phong bày tỏ quan điểm, giao quyền quyết định "cuộc chơi" cho nhà sản xuất nước ngoài là không nên. Họ sẽ vì cái lợi của họ, mà cái lợi đó có thể không đồng nhất với lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng. Bỏ quy định theo Thông tư 20 với ủy quyền chính hãng, "cuộc chơi" sẽ mở hơn với tất cả.

Tuy nhiên, ông Phong nói: "Tôi cho rằng bỏ hoàn toàn Thông tư 20 sẽ là không hợp lý. Chúng ta muốn đảm bảo chất lượng hàng hoá, trước hết phải có các hàng rào kỹ thuật".

Ông Đoàn Hiếu Trung, Giám đốc điều hành Regal Motor Cars, DN chuyên nhập Rolls-Royce tại Việt Nam cho biết: Vấn đề giữ hay bỏ Thông tư 20 hiện không còn quan trọng nữa, vì Thông tư 20 đã hết hiệu lực rồi. Xét về tương lai lâu dài, không nên giữ các điều khoản trong Thông tư 20, để cho các DN đều có cùng cơ hội.

Theo ông Hiếu, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ bãi bỏ các điều kiện trong Thông tư 20, miễn sao Chính phủ phải tạo ra "sân chơi" bình đẳng cho tất cả mọi DN. DN nhập xe chính hãng, phải cung cấp hệ thống bảo hành, bảo dưỡng tiêu chuẩn chính hãng, thì các DN khác cũng cần phải đáp ứng điều này. Người tiêu dùng, sẽ phải chịu thiệt nếu các hãng xe không thể đảm bảo chất lượng và khắc phục các lỗi. DN nhập khẩu ô tô mà không có mối liên hệ với nhà sản xuất thì làm sao đảm bảo được nếu hỏng hóc xảy ra.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An, đại diện cho các DN nhỏ đồng tình tạo một "sân chơi" bình đẳng cho mọi DN. Với Rolls-Royce, Audi hay Porsche... là xe sang, siêu sang, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Nhưng chúng tôi chỉ nhập xe bình dân, giá rẻ và hoàn toàn có thể đảm bảo được về kỹ thuật.

GS Nguyễn Mại cũng cho rằng, các quy định cần phải được xây dựng dành cho số đông, cho hàng triệu chiếc ô tô mà người dân có nhu cầu sử dụng, chứ không thể cho vài trăm chiếc xe siêu sang. Và chắc chắn một điều, khi có nhiều người cùng bán, người bán giá cao sẽ không ai mua. Ai làm kém thì không có khách. Có cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ mua được ở mức giá hợp lý, đảm bảo chất lượng.

Trần Thủy