Theo báo cáo mới nhất của Google và Temasek về nền kinh tế Internet Đông Nam Á, thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 2015-2025 so với ba lĩnh vực du lịch trực tuyến, gọi xe, truyền thông trực tuyến.

Năm 2018, quy mô của thị trường TMĐT là 23 tỷ USD, vẫn xếp sau du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng “chóng mặt”, TMĐT sẽ bỏ xa du lịch trực tuyến và dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh tế Internet ở Đông Nam Á, đạt quy mô 102 tỷ USD vào năm 2025.

Indonesia đang là quốc gia dẫn đầu thị trường TMĐT Đông Nam Á, với quy mô hơn 12 tỷ USD trong năm 2018. Xếp sau Indonesia và Thái Lan. Thị trường TMĐT Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, với quy mô 2,8 tỷ USD. Đến 2025, quy mô TMĐT Việt Nam có thể vượt Thái Lan và xếp thứ hai trong khu vực, với quy mô 15 tỷ USD.

{keywords}
Mua sắm trực tuyến phát triển mạnh ở Đông Nam Á

Đánh giá về tiềm năng của thương mại điện tử, tại diễn đàn thương hiệu tương lai LazMall, ông Pierre Poignant, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada, nhận định, một thống kê cho thấy các triệu phú châu Á dành hơn 3 giờ trên smartphone mỗi ngày. Đây là tiềm năng rất to lớn cho ngành thương mại điện tử.

Năm ngoái, trang thương mại điện tử này đã lập kỷ lục mới, với đội giao hàng trên khắp Đông Nam Á cung cấp hơn 1 triệu bưu kiện trong một ngày. Hãng mạnh tay thuê ba máy bay để đưa hơn 200 tấn bưu kiện từ người bán xuyên biên giới cho người mua ở Indonesia, Philippines và Thái Lan trong thời gian nghỉ lễ.

Theo đại diện Lazada, trên toàn khu vực, 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ rất muốn đầu tư vào công nghệ để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế kỹ thuật số.

“Không có một nhà bán hàng nào là quá nhỏ bé để vươn lên, cũng như không có thương hiệu nào là quá lớn để trở thành “Siêu doanh nghiệp điện tử”. Đó là lý do tại sao chúng tôi công bố những giải pháp nhằm giúp các thương hiệu và người bán gia tăng tốc độ số hóa và tiếp cận khách hàng tốt hơn”, ông Pierre Poignant chia sẻ.

Theo Bangkok Post, họ đặt mục tiêu tạo ra 20 triệu việc làm thương mại điện tử và phục vụ 300 triệu khách hàng vào năm 2030 bằng cách khuyến khích 8 triệu người trở thành doanh nhân thương mại điện tử.

Cuộc đua quyết liệt 

Liên quan tới thị trường Việt Nam, chủ tịch Tập đoàn Lazada, Jing Yin, đánh giá: “Chúng tôi nhìn thấy một sự phát triển cực kỳ lớn của thị trường Việt Nam, đặc biệt mảng điện gia dụng. Việt Nam là thị trường tiềm năng và có cơ hội, nhiều người trẻ quan tâm.”

Nhìn chung, trong năm 2018, thị trường TMĐT Việt Nam đã có một năm phát triển sôi động. Theo số liệu mới nhất từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hành vào cuối tháng 9/2018, doanh thu thương mại điện tử trong năm 2017 của Việt Nam đã đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus, thế hệ mua sắm chủ lực đang dịch chuyển dần sang Millenials và trong tương lai không xa sẽ là Thế hệ Z (Gen Z). Hai thế hệ này có điểm chung là dành rất nhiều thời gian trên mạng và sử dụng các thiết bị di động. Vì lý do này, những ứng dụng mua sắm trên di động đang ra đời ngày càng nhiều nhằm nắm bắt và chuyển đổi “người dùng điện thoại di động” thành “người mua sắm”.

{keywords}
Tiềm năng bùng nổ thương mại điện tử Đông Nam Á

Mặc dù vậy, TMĐT ở Việt Nam đúng là rất tiềm năng, nhưng để trụ được, các nhà đầu tư phải có tiềm lực mạnh, chấp nhận lỗ trong thời gian đầu và phải kiên trì nỗ lực nếu muốn thu được “quả ngọt”.

Ông Jeremy Chew, chuyên viên về thị trường TMĐT Đông Nam Á của iPrice, cho biết rằng kiến thức về thị trường nội địa là rất quan trọng trong cuộc đua giành thị phần TMĐT. Các công ty TMĐT luôn phải hiểu rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở từng quốc gia và đó chính là một lợi thế.

Bên cạnh đó, thanh toán vẫn luôn là một bài toán gây đau đầu cho các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam. Theo báo cáo của Google và Temasek, hiện chỉ có 25% số người tiêu dùng Việt Nam chọn thanh toán online khi mua hàng trực tuyến, còn lại 75% vẫn sử dụng hình thức COD (trả bằng tiền mặt khi nhận hàng). Hình thức thanh toán bằng tiền mặt tuy mang lại cảm giác bảo đảm cho người mua nhưng lại tồn tại nhiều nguy cơ cho các doanh nghiệp TMĐT.

Sau những cuộc đua giảm giá trong các năm trước, đánh dấu một sự chuyển hướng của các công ty TMĐT trong cách tiếp cận khách hàng tại Việt Nam: thiên về giải trí và gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Lazada vừa công bố một chuỗi dịch vụ và sản phẩm mới để hỗ trợ các nhà bán hàng và thương hiệu tại Đông Nam Á nhằm giải quyết 3 "nỗi đau đầu" của doanh nghiệp: xây dựng thương hiệu, tiếp thị và bán hàng.

“Mục tiêu là làm cho họ cảm thấy vui vẻ khi mua sắm. Khách hàng, không chỉ cần mua được hàng hóa tốt mà còn cần những trải nghiệm vui vẻ. Đó là mục tiêu chúng tôi hướng tới”, đại diện doanh nghiệp khẳng định.

Có thể nói, TMĐT là một cuộc đua tốn kém, khốc liệt của các doanh nghiệp. Gần khép lại năm 2018, trang thương mại điện tử VuiVui.com của Thế Giới Di Động đóng cửa, một lần nữa khẳng định sự cạnh tranh tàn khốc của thị trường này.

Nam Hải