Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương báo cáo về việc báo chí phản ánh việc "nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn giành được những dự án quy mô lớn, rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời".

Văn bản của Văn phòng Chính phủ cũng nhắc đến dự án điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới gần 4,4 tỷ USD mà Công ty Đầu tư HLP đang xin khảo sát.

Đại diện Công ty CP Đầu tư HLP khẳng định: Dự án điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch ở giai đoạn nhà đầu tư đăng ký khảo sát và các cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục xem xét, đánh giá. Do đó, không thể có việc chuyển nhượng dự án 4,4 tỷ USD cho nước ngoài khi dự án mới chỉ giai đoạn xin chủ trương cho khảo sát để lập dự án đầu tư.

{keywords}
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng. 

Theo tìm hiểu, đối với dự án 4,4 tỷ USD, thẩm quyền phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ và khi đó, Thủ tướng sẽ lấy ý kiến của tất cả các bên liên quan (bao gồm cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao).

Việc xem xét chấp thuận dự án rất chặt chẽ theo Luật Đầu tư để đảm bảo chọn đúng doanh nghiệp có đủ năng lực làm chủ đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư phải cùng các đối tác nước ngoài thực hiện thủ tục “đăng ký đầu tư” theo quy định.

Trên cơ sở quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn và quy định chặt chẽ của pháp luật. 

Đánh giá về việc nhà đầu tư “nội” chuyển nhượng cổ phần dự án năng lượng tái tạo cho nhà đầu tư “ngoại”, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết thực tế một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê út...

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là “hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường” và được quy định trong Luật Đầu tư.

Một dự án vừa chuyển nhượng cổ phần cho đối tác ngoại là dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận II, chia sẻ với PV, đại diện DN đầu tư cho hay: “Dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận II được ứng vốn để hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng tháng 8/2018. Sau đó, DN đầu tư xây dựng hạ tầng, trạm biến áp và các hạng mục xây dựng khác và tiến độ hoàn thành trước 30/6/2019 là chắc chắn 100%. Tháng 2/2019, đơn vị tổng thầu của là Vinasolar đề xuất chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án".

Đại diện chủ đầu tư cho biết, để làm cơ sở chấp thuận chuyển nhượng cổ phần tại dự án, DN đã làm thủ tục với tỉnh Bình Thuận. UBND tỉnh đã lấy ý kiến các sở/ngành xác nhận công ty đã thực hiện việc đầu tư, xây dựng dự án và nhu cầu thoái vốn để đầu tư dự án khác là phù hợp với quy định của pháp luật và là điều bình thường trong hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi đã tiến hành việc chuyển nhượng vào tháng 3/2019, sau khi được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận”, đại diện công ty cho hay.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án đầu tư là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, tiết kiệm thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương.

Bộ Công Thương đánh giá: Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục... nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ thuận lợi hơn; còn nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy... Kết hợp cả hai sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thường tham gia vào dự án quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều dự án quy mô công suất nhỏ, giúp giảm chi phí vận hành chung.

Lương Bằng

Thâu tóm nguồn điện vô tận Việt Nam, đại gia ngoại tham vọng lớn

Thâu tóm nguồn điện vô tận Việt Nam, đại gia ngoại tham vọng lớn

Hàng chục dự án điện mặt trời đã được các “đại gia” ngoại nắm quyền sở hữu từ các nhà đầu tư “nội” bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần. Vì sao dự án điện lại trong tầm ngắm nhà đầu tư "ngoại"?