Đưa thế giới thực lên thế giới số

Việt Nam đang chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng kinh tế. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết sẽ đi sau trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Trình bày tại Diễn đàn khoa học 2020 với chủ đề Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 10/12, không thiếu ý kiến đánh giá về sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong nền kinh tế - xã hội nước ta.

TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Đại dịch làm thay đổi hành vi của người dân/con người/doanh nhân trong cách thức quản trị, chi tiêu và tiếp xúc, tương tác với nhau. Điều này cũng buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách thức quản trị, ứng xử với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cách thức tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cách thức giao tiếp giữa doanh nghiệp với nhau và các cơ quan Chính phủ, tổ chức liên quan,...

{keywords}
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

“Việc lo ngại tiếp xúc người với người có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế phi tiếp xúc, bao gồm các ngành y tế bảo vệ sức khỏe, các giao dịch thông qua nền tảng kinh tế số và ngành kinh tế viễn gián (bao gồm các hoạt động giao dịch từ xa, gián tiếp, song không qua nền tảng kỹ thuật số)”, ông Lê Xuân Sang nói.

Dẫn chứng trong bài nghiên cứu của Viện Kinh tế cho thấy, doanh nghiệp phát triển công nghệ học từ xa tăng trưởng mạnh. Trong thời gian giãn cách xã hội, VNPT E-learning tăng trưởng truy cập gấp 4 lần, đỉnh điểm 100.000 khách truy cập trong 1 giờ. Viettel Study đạt 41 triệu lượt truy cập trong 1 tháng, được sử dụng trong 26.000 trường, bao gồm 29.000 bài học ở các cấp độ khác nhau. Đại dịch đã giúp Trí tuệ nhân tạo (Al) phát triển nhanh chưa từng có.

Một số ngành như khám, chữa bệnh từ xa cũng có mức tăng khá bền vững và cao. Các ngành công nghệ số quan trọng khác cũng tăng trưởng từ 18% (truyền thông trực tuyến) đến 46% (thương mại điện tử).

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện Xã hội học chia sẻ: Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi sự thờ ơ của người dân đối với nhiều thành tựu của chuyển đổi số chỉ trong một thời gian ngắn. Chuyển các hoạt động sống từ thế giới thực lên thế giới số là giải pháp khả dĩ nhất để ứng phó với dịch bệnh, nhất là các hoạt động mà giải pháp trực tuyến đã có sẵn.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu Viện Xã hội học, các thống kê sơ bộ cho thấy tỷ lệ người dùng ví điện tử, giao dịch qua mạng không dùng tiền mặt, mua bán online, học hành, hội họp, khám chữa bệnh từ xa đã tăng vọt, thậm chí cả ở những người ngại tìm hiểu công nghệ. 

{keywords}
Doanh nghiệp đang ứng dụng nhiều công nghệ số vào hoạt động.
 

Việt Nam không nhất thiết sẽ đi sau về kinh tế số

Đi sâu phân tích về đại dịch Covid-19 và yêu cầu phát triển kinh tế số ở Việt Nam, Ths Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, cho rằng: Việt Nam đang chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng kinh tế. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết sẽ đi sau trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Theo ông Dương, đại dịch không làm giảm bớt sự quan tâm của Việt Nam đối với kinh tế số Thay vào đó, sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống buộc các cơ quan doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Song, ông Nguyễn Anh Dương cũng đánh giá kinh tế số ở Việt Nam đang gặp phải một số rào cản lớn. Trong đó, có việc hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp. Ngoài ra, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số. Nhiều luật đã được ban hành từ khá lâu nhưng chưa được rà soát, sửa đổi. Hệ thống luật pháp còn thiếu những quy định và hành lang pháp lý phù hợp cho một số mô hình kinh tế dựa trên nên tảng số.

Mô hình cho vay ngang hàng là ví dụ. Luật pháp Việt Nam chưa có quy định về cho vay ngang hàng, dẫn đến việc một số công ty đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và nhu cầu vay tiền của họ nhưng không đủ khả năng tiếp cận các kênh truyền thống, để lừa đảo, kinh doanh dịch vụ tín dụng đen, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội...

Theo ông Dương, Việt Nam cũng còn thiếu sự quan tâ đúng mức với sự phát triển của một số công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 như Al, blockchain, máy tự học... Hành lang pháp lý đối với phát triển các công nghệ 4.0 còn rất sơ khai. Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chưa có luật và khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến Al, tư các pháp lý của Al và thực thể mang Al, quyền sở hữu trí tuệ,...

Ông Lê Xuân Sang nhấn mạnh: Đại dịch là cú huých quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tuy nhiên quá trình này không dễ dàng do nhiều nguyên nhân và một khi bệnh dịch được kiểm soát như hiện nay, thì nỗ lực chuyển đổi số có thể chùng xuống. Do vậy, cần hỗ trợ phát triển dài hạn, đủ liều đối với các doanh nghiệp công nghệ số, bất kể là gặp khó khăn hay không, để tạo cú huých chuyển đổi số, tái cơ cấu đủ mạnh trong thời gian đủ dài cho các doanh nghiệp nhóm này; tuy nhiên, trọng tâm, liều lượng hỗ trợ là khác nhau đối với từng nhóm doanh nghiệp.

Hà Duy 

Cẩn trọng với kiểu lừa đảo đội lốt 4.0

Cẩn trọng với kiểu lừa đảo đội lốt 4.0

Các mô hình dự án lừa đảo đều không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Toàn bộ rủi ro sẽ nằm trọn về phía người bỏ tiền tham gia dự án, bởi họ khó có thể rút lại khoản tiền gốc đã nộp ban đầu.