Đưa công nghệ vào trồng rau

Những ngày hè này, tại nông trại của bà Lê Thị Dung ở xã Khánh Cư (Yên Khánh, Ninh Bình) công nhân thay vì đội nắng chăm sóc rau màu nay có thể ngồi phòng máy lạnh để thực hiện những công việc này thông qua chiếc điện thoại smartphone.

Bà kể, cách đây hơn chục năm bà đã bắt đầu tích tụ ruộng đất làm nông nghiệp quy mô lớn. Song, nông trại của bà vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, công việc chủ yếu là thuê người làm bằng chân tay. Kết quả, năng suất thấp, sản phẩm nhiều khi không bán được, phải đem đi làm từ thiện.

Để thay đổi số phận của quả cà chua hay mớ rau xanh, bà sớm nhận ra vai trò của công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó quyết định ứng dụng công nghệ IOT (Internet vạn vật) vào nông trại của mình.

Theo đó, dữ liệu do các cảm biến toàn bộ khu vườn sẽ thu thập được đưa về bộ xử lý tập trung. Hệ thống có thể phân tích và đưa ra các lệnh điều khiển tại chỗ mà không cần chờ hệ thống máy chủ phân tích.

{keywords}
Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang giúp người nông dân thu lợi lớn (Ảnh: MS)

Kết quả làm giảm đáng kể thời gian trễ khi điều khiển các hệ thống tưới, điều hòa không khí, đóng - mở và điều khiển các cơ cấu chấp hành... Hơn nữa, cơ chế này cho phép hệ thống vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi không có kết nối Internet đến hệ thống máy chủ.

Bà Dung có thể thao tác ngay tại các tủ điều khiển cũng như trên ứng dụng trên điện thoại di động. Từ đó, bà có thể giám sát mọi hoạt động sản xuất và đưa ra các quyết định cần thiết mọi lúc, mọi nơi.

Tất cả các quy trình từ làm phân, tưới nước tới chăm sóc cây đều có máy tính ghi lại và thực hiện quản lý trên điện thoại. Nhờ vậy, bà dễ dàng nắm bắt được tình hình của trang trại, bà chia sẻ.

Hai năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Phúc - nông dân Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông (Đơn Dương, Lâm Đồng) không phải còng lưng gánh nước tưới cây, bón phân mà chỉ việc kiểm tra và cập nhật số liệu vào chiếc smartphone.

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, ông Phúc cho biết, các số liệu chăm sóc cây hàng ngày từ nước, phân bón, thời tiết cho đến tình hình sức khỏe cây trồng, dự báo thu hoạch... được cập nhật và chuyển về trung tâm kiểm soát. Có bất cứ vấn đề gì, số liệu sẽ cảnh báo để các kỹ sư tư vấn, điều chỉnh, các kế hoạch thu mua cũng được báo trước để nông dân chủ động.

Anh Nguyễn Đông Hải - chủ trang trại rau ở Đà Lạt chia sẻ, hiện cây trồng không phụ thuộc vào đất mà được nuôi sống trên giá thể, kiểm soát mầm bệnh từ đầu, khi gieo hạt đồng thời cũng được cài luôn con chip kiểm soát độ ẩm và dinh dưỡng nhằm theo sõi sức khoẻ cây trồng... đồng bộ dữ liệu với hệ thống tưới. Bất cứ khi nào cây trồng cần nước hay dưỡng chất, con chíp sẽ báo và được bổ sung dưỡng chất thông qua hệ thống tưới tự động không cần con người can thiệp.

Các số liệu hoạt động này được cập nhật lên máy tính, điện thoại của anh Hải nên dù đi đâu anh cũng kiểm soát được sự phát triển của cây trồng.

Nông dân thu chục triệu USD

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, điều khiến anh Hải yên tâm nhất là các số liệu này được cập nhật lên hệ thống kiểm soát chất lượng QR Code để khi đưa ra thị trường vẫn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng. Rau trái tại nông trại của anh không chỉ đủ điều kiện để vào các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn trên toàn quốc mà còn xuất khẩu được vào những thị trường có giá trị cao như châu Âu, Mỹ.

“Doanh thu từ trang trại mỗi năm đạt tới 60 tỷ đồng”. Anh Hải tiết lộ và cho biết, rau quả thu hoạch được từ trang trại của anh luôn được bao tiêu, không cần phải kêu gọi giải cứu.

{keywords}
Tại những nông trại ứng dụng công nghệ số, nông sản có truy xuất nguồn gốc được được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định (ảnh: BH)

Tại nông trại của bà Lê Thị Dung, những quả cà chua chín, những mớ rau cải xanh chất lượng đều được các đơn vị thu mua hết tới tay người tiêu dùng qua các chuỗi thực phẩm sạch và xuất khẩu đi quốc tế.

Từ câu chuyện rau củ trồng ra phải bỏ, đi làm từ thiện thì 2 năm gần đây bà Dung doanh thu từ nông trại đạt tới 19 tỷ đồng nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

“Hiệu quả rõ rệt là trước phải thuê tới 20 công nhân, thậm chí có thời vụ lên tới 40 người nhưng giờ chỉ cần 10 người có thể điều hành và làm được mọi việc từ xa, điều khiển toàn bộ máy móc. Chất lượng sản phẩm tuyệt đối an toàn, nông sản xuất ra thị trường có sự khác biệt rõ rệt”, bà Dung chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.

Đơn cử, trong trồng trọt có công nghệ IOT, dữ liệu lớn (Big Data) bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực... Hay như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi... giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản.

Thực tế tại Lâm Đồng, việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong lĩnh vực ngành nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động. Theo đó, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8-9 tỷ đồng...

Tại HTX Anh Đào (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) nhờ áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu mà năng suất rau quả tăng mạnh, cho doanh thu hơn 10 triệu USD/năm.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, chuyển đổi số không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam. Bởi, nó không chỉ giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm, năng suất mà còn có thể giải được bài toán cung cầu trên thị trường.

Tâm An

Vườn rau không cần đất, anh nông dân đếm đủ 9 tỷ đồng/ha

Vườn rau không cần đất, anh nông dân đếm đủ 9 tỷ đồng/ha

Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng/ha.