Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra

Đưa cuộc sống thực lên thế giới mạng

12 giờ trưa, quán cơm thố tại ngã ba Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa, Hà Nội) đông nghịt những màu áo xanh, áo đỏ trước cửa. Họ là những shipper đồ ăn của những ứng dụng (app) gọi món. Trưa nào cũng vậy, quán cơm này đông nghịt những “người vận chuyển”. Nhân viên của quán vừa tấp nập lên đơn cho đội quân shipper, vừa hối hả giục nhà bếp làm đồ ăn.

Trái ngược với cảnh nhộn nhịp ở cửa, bên trong quán, những dãy bàn ăn vẫn đầy chỗ trống. “Giờ đây, khách hàng đặt cơm qua các ứng dụng gọi món nhiều hơn khách ăn trực tiếp ở quán. Bởi vì có rất nhiều app gọi đồ ăn, nên lượng khách đặt món qua đây cũng đông hơn hẳn”, nhân viên quán cho biết.

{keywords}
Những quán ăn nhỏ cũng chuyển mình thời kinh tế số. Ảnh: Lương Bằng

Ngược thời gian 5 năm về trước, có lẽ những quán cơm nhỏ như thế này không bao giờ tưởng tượng được họ lại bán hàng và thu tiền theo cách thức như bây giờ. Làn sóng mua bán online, giao dịch trên môi trường số đã chạm đến những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ như vậy.

Không thể thống kê hết những sự dịch chuyển có tính chất bước ngoặt, chỉ chắc chắn rằng, thương mại điện tử, kinh tế số đã lan tỏa khắp các ngõ ngách. Để không bị bỏ lại phía sau, các cửa hàng như quán cơm thố nêu trên buộc phải thay đổi để thích ứng. Cửa kính của các cửa hiệu giờ đây dán đầy hình ảnh nhận diện của các app gọi món, ví điện tử.

Vừa cài ứng dụng ePoint của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN vào smartphone, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh có thể nhìn thấy ngay lượng điện tiêu thụ và tiền điện của gia đình ông hiển thị từng ngày.

“Chỉ cần mở ứng dụng này, tôi có thể thấy được tất cả những số liệu liên quan đến việc sử dụng điện của nhà tôi. Bất cứ gia đình nào cũng có thể xem được những chỉ số sử dụng điện của nhà mình, chỉ cần được trang bị công tơ điện tử”, ông Sơn chia sẻ.

Nhắc đến ứng dụng mới ePoint, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, nhấn mạnh: “Với ePoint, chúng ta có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng; Tích điểm đổi quà, đổi mã thẻ điện thoại; Thanh toán tiền điện mọi lúc mọi nơi và còn rất nhiều tiện ích khác”.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Võ Quang Lâm hào hứng nói về công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Tập đoàn EVN.

“Phòng làm việc của tôi trước đây đầy những văn bản, giấy tờ. Nhưng đến nay, số lượng văn bản giấy đã bớt đi rất nhiều”, ông Võ Quang Lâm bắt đầu câu chuyện bằng cách “khoe” về việc triển khai văn phòng điện tử (e-Office).

Hiện 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống e-Office để giải quyết công việc. EVN cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử trong toàn Tập đoàn, và hầu hết văn bản trong Tập đoàn lưu hành qua hình thức điện tử, ngoại trừ văn bản mật phải quản lý theo quy định. Sau khi triển khai hệ thống văn phòng điện tử e-Office, các báo cáo văn bản giấy của EVN nói chung đã giảm được tới 86%, đem lại hiệu quả cao trong quản trị doanh nghiệp.

Một tập đoàn khác cũng mang đậm dấu ấn chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Viettel, chia sẻ: Hơn 30 năm qua, từ một công ty xây lắp nhỏ thành lập năm 1989, đến nay, Viettel đã trở thành tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam nhờ chuyển đổi số.

Trong đại dịch Covid-19, doanh số của Viettel không tăng trưởng âm, tỷ trọng đóng góp doanh thu từ các lĩnh vực chuyển đổi số, các ứng dụng trong nước và 10 thị trường nước ngoài đã bù đắp cho doanh thu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Viettel cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ quản trị nội bộ, đồng nhất, thông suốt, áp dụng công nghệ hiện đại với các tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn này đã số hoá 100% văn bản giấy tờ, giải phóng 50% công việc thủ công, tự động hoá 30-40% các tác vụ.

{keywords}
Phấn đấu đi đầu trong kinh tế số

1 năm hơn cả thập niên

Là chuyên gia tham gia không biết bao nhiêu cuộc họp, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng đã thấy được sự thay đổi mạnh mẽ về cách tiếp cận với các văn bản họp.

Ông Nguyễn Anh Dương kể: Khi tham gia các cuộc họp quốc tế, nhiều nước thường sử dụng bản tài liệu in giấy. Sau đó, ban tổ chức yêu cầu tài liệu nào không quan trọng thì có thể gửi bản điện tử, không dùng bản giấy. Thế nhưng, ra đến cuộc họp, tất cả các nước đưa ra văn bản đều đánh dấu tài liệu này là quan trọng, phải dùng bản in. Cuối cùng, chỉ đến năm 2020 này, khi các cuộc họp phải tiến hành trực tuyến, thì việc dùng các file văn bản điện tử mới được xem là điều tất yếu, không ai bàn cãi nữa.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, đại dịch Covid-19 không làm giảm bớt sự quan tâm của Việt Nam đối với kinh tế số. Thay vào đó, sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống buộc các cơ quan doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Đại dịch đã làm thay đổi hành vi của người dân/con người/doanh nhân trong cách thức quản trị, chi tiêu và tiếp xúc, tương tác với nhau. Điều này cũng buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách thức quản trị, ứng xử với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cách thức tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như cách thức giao tiếp giữa doanh nghiệp với nhau và các cơ quan Chính phủ, tổ chức liên quan...

Cũng nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi sự thờ ơ của người dân đối với nhiều thành tựu của chuyển đổi số chỉ trong một thời gian ngắn, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện Xã hội học nhận định: Chuyển các hoạt động sống từ thế giới thực lên thế giới số là giải pháp khả dĩ nhất để ứng phó với dịch bệnh, nhất là các hoạt động mà giải pháp trực tuyến đã có sẵn. Các thống kê sơ bộ cho thấy tỷ lệ người dùng ví điện tử, giao dịch qua mạng không dùng tiền mặt, mua bán online, học hành, hội họp, khám chữa bệnh từ xa,... đã tăng vọt, thậm chí cả ở những người ngại tìm hiểu công nghệ.

Cùng với quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cũng đang bước vào kỷ nguyên mới. Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, kể từ khi chiến lược Make in Vietnam được thực hiện, sau một năm, hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp công nghệ số. Đây là một con số kỷ lục khi lúc đầu Việt Nam chỉ nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp mới được hình thành trong một năm. Đây sẽ là cú huých để mục tiêu “100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030” có thể đạt được vào năm 2025.

“Việt Nam đang chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng kinh tế. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết sẽ đi sau trong tiến trình phát triển kinh tế số”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Lương Bằng

"Chúng ta không cúi đầu trước hoàng đế của nền kinh tế số"

"Chúng ta không cúi đầu trước hoàng đế của nền kinh tế số"

Liệu CEO một hãng công nghệ có quyền buộc một tổng thống đương nhiệm phải ‘câm lặng’? Làm thế nào để kìm hãm sức mạnh vượt tầm kiểm soát của Big Tech? Đây quả thực là những câu hỏi khó có lời đáp.