“Ðiệp khúc”… cầm cố

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Nam Á vừa thông báo sẽ thu giữ và xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với chung cư Khang Gia Tân Hương tọa lạc tại (số 377 đường Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM) và hai khu đất khác của chủ đầu tư này và sẽ đưa tài sản ra bán đấu giá.

 Trước đó, khách hàng mua căn hộ tại dự án 584 Tân Kiên, huyện Bình Chánh tá hỏa khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Cty CP đầu tư Y tế Việt Nam và Cty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 với tổng trị giá gần 1.100 tỷ đồng.

{keywords}
Chung cư Khang Gia Tân Hương

Tương tự, cư dân sống ở chung cư The Harmona, số 33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM cũng “thót tim” khi hay tin Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Bắc Sài Gòn “siết” nợ dự án vì chủ đầu tư là Cty CP Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình tự ý mang tài sản của họ để bảo lãnh cho Cty Cổ phần Thanh Niên vay vốn. Cty Thanh Niên không đủ khả năng chi trả, ngân hàng BIDV ra thông báo thu hồi tài sản của cư dân. Sự việc mới lắng xuống khi ông Châu Văn La - Chủ tịch UBND quận Tân Bình phản đối gay gắt và bảo vệ quyền lợi của cư dân.

Tương tự, chung cư The Rubyland, quận Tân Phú, TPHCM do Cty cổ phần Tân Hoàng Thắng (Cty Tân Hoàng Thắng) làm chủ đầu tư. Sinh sống gần chục năm qua nhưng hàng trăm hộ dân tại chung cư The Rubyland không được cấp sổ hồng do Cty Tân Hoàng Thắng mang chung cư này thế chấp Ngân hàng S từ năm 2009 cho khoản vay 247 tỷ đồng.

Khách hàng lãnh đủ

Luật sư Trần Mai Hạnh (Cty Luật DC Counsel) nhận định, chủ đầu tư mang dự án cầm cố ở ngân hàng để bán là vi phạm pháp luật bởi đây là tài sản đã thế chấp, chủ đầu tư phải giải chấp mới được bán. Vì một tài sản không thể vừa thế chấp cho ngân hàng, vừa bán cho người khác.

Hành vi gian dối ở đây là khá rõ nhưng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng minh cho được hành vi gian dối đó nhằm vào mục đích chiếm đoạt tài sản của người mua. Trường hợp khách hàng khởi kiện chủ đầu tư ra tòa và thắng kiện, có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ ngăn chặn để đảm bảo việc thi hành án”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có hai loại thế chấp bất động sản, một là thế chấp tài sản trực tiếp hình thành trong tương lai và thế chấp gián tiếp, có một bên thứ ba thế chấp để chủ đầu tư và bảo lãnh cho chủ đầu tư tại ngân hàng. Mối quan hệ của bên thứ ba với chủ đầu tư có thể có mối quan hệ thương mại nào đó. Hiện nay vẫn chưa phân biệt được hai loại thế chấp trực tiếp và gián tiếp và thiệt hại vẫn là người mua nhà.

Nhìn ở khía cạnh khách hàng, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành của Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng, chủ đầu tư cùng một lúc vừa mang sản phẩm đã bán, vừa mang đi thế chấp ngân hàng đã đẩy rủi ro cho người mua sản phẩm đó và khiến họ có nguy cơ không làm được sổ hồng. Việc làm ăn gian dối sai phạm rất nghiêm trọng. Nguy cơ đẩy cư dân thiệt hại rất lớn nếu chủ đầu tư  làm ăn thua lỗ.

Mổ xẻ thực trạng này, ông Đực nhận định, hiện nay có rất nhiều kẽ hở trong việc doanh nghiệp vừa bán hàng vừa vay ngân hàng và thiếu nợ vật tư của các nhà thầu. Các cơ quan quản lý nhà nước và người mua nhà đều không kiểm soát được nên “dính bẫy”… của doanh nghiệp.

"Hiện nay có rất nhiều kẽ hở trong việc doanh nghiệp vừa bán hàng vừa vay ngân hàng và thiếu nợ vật tư của các nhà thầu. Các cơ quan quản lý nhà nước và người mua nhà đều không kiểm soát được nên “dính bẫy”… của doanh nghiệp", Ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành của Tổng Hội xây dựng Việt Nam

(Theo Tiền Phong)