Lệnh đánh thuế ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngày 23/8 cho thấy cuộc chiến thương mại đang leo thang và khó có khả năng hạ nhiệt.

Những bất đồng về chính sách kinh tế, tiền tệ hay công nghệ giờ chuyển thành cuộc “so găng” tay đôi, mang tính cá nhân và giữ thể diện, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, CNN bình luận.

Trong một loạt tweet viết chiều 23/8, ông Trump nói thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc hiện hành sẽ tăng lên 30% kể từ 1/10. Mức thuế dự kiến 10% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc khác sẽ tăng lên 15%.

Động thái mới diễn ra chỉ vài giờ sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố nâng mức thuế từ 5-10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa đợt tăng thuế trước đó của Washington.

Chien tranh thuong mai gio la doi dau truc dien giua 2 ong Trump - Tap hinh anh 1

Ông Trump ký lệnh tăng thuế trả đũa đợt thuế mới của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại đang leo thang và khó có khả năng hạ nhiệt. Ảnh: AP

Đụng độ của hai trụ cột trật tự thế giới

Hai vị lãnh đạo giờ trở thành những “cột trụ” quan trọng trong trật tự thế giới ngày càng biến động và thay đổi mạnh mẽ do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

“Cuộc chiến thương mại đã trở thành quá trình không mục tiêu rõ ràng, không chiến lược, không điểm dừng”, Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, nói. “Và bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng tệ. Bất trắc mới chồng lên những bất trắc cũ”.

Chiến tranh thương mại, từng được Tổng thống Trump nghĩ sẽ là “chiến thắng dễ dàng” đầu năm 2018 giờ trở thành đầm lầy, do chính ông tạo ra, rất khó vượt qua.

Nếu Trung Quốc toan tính đánh thuế ngày 23/8 để chọc giận ông Trump - giữa lúc lo ngại về kinh tế đang treo lơ lửng, phủ bóng đen lên kỳ vọng tái đắc cử của ông - thì họ đã thành công, với các phản ứng được cho là “bốc đồng” của tổng thống Mỹ.

Các đòn thuế quan giữa hai bên đã kết thúc một tuần trong đó ông Trump và Nhà Trắng thể hiện sự mâu thuẫn về điều hành kinh tế. Các cố vấn cao cấp nói tăng trưởng vẫn vững vàng và không có lo ngại gì cho nền kinh tế. Ông Trump khi thì nói cân nhắc giảm thuế để kích thích tăng trưởng, khi thì khẳng định không cần giảm thuế vì tình hình vẫn tốt.

Đã có những lo ngại rằng ông Trump không đủ bình tĩnh để xử lý một cuộc suy thoái kinh tế nếu viễn cảnh đó thành hiện thực. Hiện tượng bất thường trên thị trường chứng khoán hơn một tuần trước, khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu hai năm đã khiến giới đầu tư lo ngại là báo hiệu cho suy thoái.

Ông Trump từ trước đã có những lần công kích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, nhưng lần này ông đã so sánh ông Powell với Chủ tịch Tập Cận Bình xem ai là “kẻ thù” lớn hơn của Mỹ - giọng điệu can thiệp mạnh nhất của một tổng thống Mỹ lên Cục Dự trữ Liên bang vốn độc lập.

TT Trump yêu cầu ông Powell cắt giảm lãi suất cơ bản nhưng đây là biện pháp chỉ được vận dụng trong tình huống kinh tế suy thoái trầm trọng.

Ông Trump cho thấy ông không hiểu về hệ thống tài chính của Mỹ và sự độc lập của Fed. Chẳng hạn, trong Hội đồng Thống đốc có trách nhiệm quản lý Fed, có 7 thành viên được tổng thống chọn với nhiệm kỳ dài 14 năm để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi chính trị.

Chien tranh thuong mai gio la doi dau truc dien giua 2 ong Trump - Tap hinh anh 2

Ngày 23/8, chứng khoán Mỹ kết thúc tuần thứ tư liên tiếp giảm điểm. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ chia cắt kinh tế thế giới sau "màn sắt"

Các biện pháp trả đũa liên tục dường như đang đẩy ông Trump sâu hơn vào “vũng lầy” và sự leo thang ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Tiếp tục đánh thuế, ông sẽ càng khiến giới đầu tư lo sợ và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhiều ý kiến nhận định ông Trump đã thừa nhận các đợt thuế sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ dù ông luôn khẳng định chỉ Trung Quốc chịu thiệt.

“Điều rút ra ở đây là mọi thứ đang tan rã dần và mối quan hệ hai bên càng tệ đi”, ông Allen nói với CNN.

Nguy cơ “tan rã” của nền kinh tế thế giới, chia thành hai nửa theo Mỹ và Trung Quốc là điều nguy hiểm, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson cảnh báo vậy trong một bài phát biểu ở Singapore vào tháng 11/2018.

“Tôi sợ rằng phần lớn kinh tế toàn cầu sẽ phải không còn được tự do lưu chuyển hàng hóa và đầu tư. Tôi thấy viễn cảnh một ‘màn sắt’ kinh tế - các bên đặt thêm các rào cản và khiến kinh tế thế giới tách làm hai”, ông Paulson nói.

Lần tới ông Trump gặp ông Tập sẽ là ở diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng 11. Nhưng với diễn biến leo thang vừa qua, hy vọng giải quyết tranh chấp đang rất mong manh.

Trong nội bộ chính quyền ông Trump, không phải ai cũng có quan điểm cứng rắn.

“Chính sách (đối với Trung Quốc) là khá khó đoán, dễ thay đổi. Tôi không nghĩ chính sách của Mỹ đã đạt đến độ tất cả cùng coi Trung Quốc như kẻ địch”, ông Scott Kennedy, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói.

Chien tranh thuong mai gio la doi dau truc dien giua 2 ong Trump - Tap hinh anh 3

Một hải cảng ở thị trấn Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Ai nhượng bộ trước?

Nền chính trị của Trung Quốc tập trung hơn của Mỹ, nhưng ông Tập không phải không chịu sức ép từ quốc nội. Làn sóng biểu tình ở Hong Kong khiến mọi chú ý đổ dồn về cách ông sẽ xử lý, chỉ vài tháng trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70. Ông Tập đang có một năm khá tệ, chỉ hai năm sau khi hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi để xóa bỏ giới hạn  nhiệm kỳ với ông.

Đúng như ông Trump dự đoán, cuộc thương chiến thực sự là đòn giáng lên kinh tế Trung Quốc: tốc độ tăng trưởng của sản lượng công nghiệp nước này xuống thấp nhất trong 17 năm qua.

Cuộc thương chiến cũng có thể được coi là cuộc đấu xem “ai nhượng bộ trước”, xuống thang trước các thiệt hại kinh tế do thương chiến. Ông Tập có toàn quyền ra quyết sách ở Trung Quốc, và sẽ không phải ra trước cử tri để vận động tranh cử vào năm 2020.

Trái lại, ông Trump ngày càng khó chịu khi truyền thông đưa tin về tình hình kinh tế, đồng thời cáo buộc báo chí đang khiến người tiêu dùng hoảng sợ, điều sẽ gây ra suy thoái.

Trung Quốc đã toan tính kỹ lưỡng khi nhắm vào nông sản trong đợt thuế mới đây. Nông nghiệp là ngành quan trọng ở các “bang chiến trường” vùng Trung Tây nước Mỹ, các bang sẽ quyết định cuộc bầu cử 2020.

Ông Trump đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan. Ông sẽ hạ giọng và ký một thỏa thuận với Bắc Kinh - quay lưng lại với cuộc chiến thương mại do chính ông phát động mà không đạt được mục tiêu?

Hay ông tiếp tục ăn miếng trả miếng với Trung Quốc - gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ và thế giới, đồng thời khiến người tiêu dùng Mỹ phẫn nộ, nhấn chìm hy vọng tái đắc cử khi cuộc bầu cử chỉ còn cách hơn một năm nữa.

(Theo Zing)