Trao “cần câu” giúp người dân thoát nghèo

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn có hơn 87.574 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách xã hội. Đây là “đòn bẩy” quan trọng giúp người dân có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Xác định giải quyết việc làm là điều kiện quan trọng giúp người dân thoát nghèo, tỉnh Bắc Kạn chú trọng đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu thị trường, kết nối với doanh nghiệp song hành trong quá trình tuyển sinh và thực hành. Có thể kể đến trường Cao đẳng Bắc Kạn đã ký kết hợp tác đào tạo với hơn 20 DN, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng của các đối tác mỗi năm. Học sinh ra trường được làm việc đúng nghề đào tạo, thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn còn chú trọng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền tuyển dụng, giúp người lao động vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận cơ hội việc làm tại các DN trong và ngoài tỉnh.

{keywords}
Trường Cao đẳng Bắc Kạn là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt. Ảnh:backan.gov.vn

Tính đến hết năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho 31.803 lao động; tư vấn việc làm cho 27.867 lao động; dạy nghề cho 31.185 lao động (gồm các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng); đưa 2.800 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh tạo việc làm, Bắc Kạn đặc biệt quan tâm nhân rộng mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả cho trên 18.000 lượt hộ, trong đó hộ nghèo trên 13.000 lượt hộ, cận nghèo 4.500 lượt hộ và 440 hộ mới thoát nghèo.

Điển hình như Chương trình "mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP Bắc Kạn) trong 3 năm đã có 131 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Những dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị như vậy thúc đẩy nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia phát triển kinh tế theo hình thức kinh tế tập thể, vận dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình.

{keywords}
Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Hiếu, thôn Thủy Điện, xã Vi Hươn. Ảnh: backan.gov.vn

Nâng cao chất lượng đời sống người dân

Hướng tới giảm nghèo bền vững, song song việc giúp người dân phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Kạn cũng triển khai xây dựng hạ tầng vừa góp phần mở rộng giao thương vừa nâng cao chất lượng đời sống.

Trong đó, tỉnh Bắc Kạn được bố trí hơn 417 tỷ đồng Hợp phần đầu tư hạ tầng cơ sở (Chương trình 135), hơn 1.080 tỷ đồng tổng vốn kế hoạch Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ những số vốn này, tỉnh tích cực triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, lớp học, không chỉ góp phần tạo nên diện mạo mới cho các vùng khó khăn mà còn cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đến nay, tỉnh Bắc Kạn hiện có 97% đường giao thông từ trung tâm xã vùng dân tộc thiểu số đến trung tâm huyện được cứng hóa, 79% thôn vùng dân tộc thiểu số có đường giao thông đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi, mở rộng thêm cơ hội giao lưu, vận chuyển hàng hóa...

Thêm vào đó, tỉnh Bắc Kạn cũng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; y tế; nhà ở; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin; hỗ trợ tiền điện; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù…

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,3%, tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%; 104 xã, phường đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Các chính sách, giải pháp thực hiện kết hợp đồng bộ đang dần cho thấy hiệu quả ở Bắc Kạn với 22.706 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,4% năm 2016 xuống còn 14.982 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,5% vào năm 2020, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng giảm từ 12% xuống còn 10,46%. Đời sống người dân ở các bản làng cũng có nhiều khởi sắc cả về vật chất và tinh thần.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2 - 2,5%, phấn đấu nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo đến năm 2025 với các chỉ tiêu cụ thể như: 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 98% hộ nghèo có trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; 85% hộ nghèo có nhà ở đảm bảo chất lượng, đảm bảo diện tích nhà ở; 98% hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo thuộc xã đặc biệt khó khăn sử dụng dịch vụ viễn thông; 90% hộ nghèo có phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin...

D.A