Không có công nghệ xấu

“Cách đây 4 tháng chúng tôi đi khảo sát một dự án điện mặt trời, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ từ khi có nắng đến lúc mưa, tổng công suất phát điện của nhà máy đó tụt 90%. Vậy hệ thống điện Việt Nam khi tỷ trọng năng lượng tái tạo từ mức 10% hiện tại tăng lên mức 30-40% thì điều gì sẽ xảy ra nếu 90% công suất bị sụt giảm trong vòng 2 ngày?”.

Đây là câu chuyện được ông Hà Đăng Sơn, Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững mới đây.

Nếu điều này xảy ra, ông Sơn cảnh báo: “Toàn bộ hệ thống điện Việt Nam sẽ ở tình trạng nguy hiểm”.

“Đây là thách thức đòi hỏi có nghiên cứu báo cáo, đánh giá chi tiết đầy đủ hơn, chúng ta không thể chỉ nói nguồn năng lượng tái tạo sạch hơn, tốt hơn. Trong khi về mặt vận hành, năng lượng tái tạo có rất nhiều nhược điểm”, ông Hà Đăng Sơn chia sẻ.

{keywords}
Ông Hà Đăng Sơn: Bất kỳ công nghệ năng lượng nào cũng thấy có mặt tốt, mặt xấu, kể cả điện gió, điện mặt trời.

Trong khi đó, đề cập đến nhiệt điện, ông Sơn chia sẻ một góc nhìn rất khác. Kết quả khảo sát 2 năm vừa qua với nhiệt điện than cho thấy, hiện nay các dự án nhiệt điện với công nghệ mới và được quản lý với các tiêu chuẩn ngặt nghèo đã giảm thiểu được tác động môi trường rất lớn. Thậm chí, tro xỉ than từng bị coi là nguồn ô nhiễm lại là tài nguyên được sử dụng trong nền kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, tro bay Phả Lại được dùng để xây đập thủy điện theo công nghệ bêton đầm lăn.

Đối với thủy điện, chuyên gia này cho biết xu hướng hiện nay là vẫn tăng, dù mức tăng không lớn. Tuy nhiên, tổng công suất thủy điện tích năng vừa qua tăng rất nhanh. Thủy điện có cả tốt cả xấu. Câu chuyện là chúng ta có làm tốt hay không, chứ không phải công nghệ. "Theo đánh giá của chúng tôi, không có công nghệ xấu chỉ là vấn đề làm sai, làm không đúng", ông Sơn nói.

Đúc rút lại câu chuyện, ông Sơn cho rằng: Bất kỳ công nghệ năng lượng nào cũng thấy có mặt tốt, mặt xấu, kể cả điện gió, điện mặt trời.

Áp lực phải đủ điện

Những chia sẻ của ông Hà Đăng Sơn về điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện cho thấy nguồn điện nào cũng có những “điểm trừ”. Việc dư luận lên tiếng về những mặt trái cũng chính là cách để các nhà đầu tư, nhà quản lý lấp những lỗ hổng, hạn chế thấp nhất các tác hại phát sinh.

Chỉ ra khiếm khuyết trong việc phát triển các nguồn điện là điều cần thiết, và tìm ra giải pháp để khắc phục chúng cũng quan trọng không kém để không triệt tiêu động lực đầu tư của các thành phần kinh tế. Bởi sau cùng, chúng ta vẫn phải dùng điện. Tăng trưởng tiêu thụ điện mỗi năm vẫn khoảng 10%, đòi hỏi hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư để đất nước không lặp lại những tháng ngày tăm tối của cảnh “cắt điện luân phiên”.

{keywords}
Việt Nam trải qua giai đoạn bùng nổ về điện mặt trời, điện gió.

Hàng năm, Việt Nam vẫn cần bổ sung từ 5.000-6.000 MW công suất nguồn điện mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáng lo ngại là mấy năm nay, không năm nào đạt mục tiêu ấy. Quy hoạch điện VII bị phá vỡ khi nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, không hẹn ngày về đích.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy: Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện bị sụt giảm đáng kể, bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/năm). Nguyên nhân chủ yếu là do thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng, nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn về xây dựng.

Nỗi lo thiếu điện cận kề, nóng bỏng đến nỗi Thủ tướng Chính phủ không dưới 2 lần lên tiếng cảnh báo: “Nếu để thiếu điện, một số đồng chí sẽ bị mất chức”. Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương gấp rút hoàn thiện cũng đặt mục tiêu đủ điện lên hàng đầu trong bối cảnh Việt Nam phải gia tăng nhập khẩu than, khí cho phát điện, tăng cường nhập điện từ Lào và Trung Quốc.

Song song với việc phát triển nguồn điện, mỗi người dân đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại đến môi trường chỉ bằng một thao tác giản đơn: “Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng”. Không phải ngẫu nhiên, tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, 5 năm tới cả nước phải phấn đấu tiết mỗi năm kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Bởi, giảm tiêu thụ điện sẽ giúp giảm việc đốt than, đốt dầu lấy điện, giảm phát thải khí nhà kính cùng những vấn đề phát sinh khác. Điều này nằm trong tầm tay của mỗi người dân, góp phần xua đi nỗi lo thiếu điện.   

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết, cơ cấu công suất đặt nguồn điện tới năm 2030 sẽ chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 34% (2020) xuống còn 27% (2030). Chúng ta chỉ tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình triển khai xây dựng và đang chuẩn bị đầu tư.

Cùng với đó, các nguồn điện khí, đặc biệt là các nguồn điện sử dụng khí hoá lỏng sẽ được phát triển mạnh mẽ từ 15% năm 2020 lên 23% năm 2030. Điện mặt trời lên tới 14% năm 2030, điện gió tăng lên 13% năm 2030.

Lương Bằng

Một trận mưa bão, hàng nghìn MW điện 'sập nguồn'

Một trận mưa bão, hàng nghìn MW điện 'sập nguồn'

Nhìn vào hệ thống điện quốc gia, không thể chỉ nhìn đơn lẻ điện mặt trời, nhiệt điện than, khí hay điện gió, thủy điện bởi nguồn điện nào cũng có ưu nhược riêng.