Nhiều cuộc kiểm toán năm 2021 tạm dừng

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2021, kế hoạch kiểm toán gồm 190 cuộc, tổ chức thành 211 Đoàn kiểm toán. Đến ngày 30/9/2021, KTNN đã tổ chức xét duyệt 202 kế hoạch kiểm toán, triển khai 146 đoàn kiểm toán và đã kết thúc 108 Đoàn kiểm toán, hoàn thành và tổ chức xét duyệt 100 dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành chính thức 88 báo cáo kiểm toán. 

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 96 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến 30/9/2021, KTNN đã kiến nghị xử lý 52.706 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN 6.681 tỷ đồng, giảm chi NSNN 6.459 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.565 tỷ đồng.

{keywords}
Kiểm toán Nhà nước phải tạm dừng nhiều cuộc kiểm toán vì dịch Covid-19. Ảnh: Lương Bằng

Đồng thời Kiểm toán kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 67 văn bản pháp luật (trong đó 1 Luật, 4 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 Thông tư và 49 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tại thời điểm 30/8/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 37 đoàn kiểm toán đang thực hiện kiểm toán phải tạm dừng thực hiện, 7 Đoàn kiểm toán đã có kế hoạch kiểm toán nhưng hoãn triển khai.

Đến thời điểm hiện tại, KTNN đang từng bước triển khai hoàn thành các cuộc kiểm toán tạm dừng tại các địa phương đáp ứng điều kiện về phòng, chống dịch sau thời gian giãn cách.

Nhiệm vụ kiểm toán các tháng cuối năm tiếp tục diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến khó lường, đặc biệt các cuộc kiểm toán hiện nay trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đoàn kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước phải tạm dừng; thậm chí không thực hiện và dự kiến sẽ chuyển sang năm 2022 để thực hiện đối với một số cuộc kiểm toán.

Năm 2022 các cuộc kiểm toán không tăng

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, Kiểm toán Nhà nước định hướng tổng số cuộc kiểm toán năm 2022 không tăng so với năm 2021 (181 cuộc theo kế hoạch kiểm toán đầu năm), giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là các cơ quan Y tế, Quốc phòng và An ninh.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất một số cuộc kiểm toán chuyên đề đáng chú ý dự kiến được thực hiện năm 2022.

Chuyên đề “Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí thường xuyên.

{keywords}
Dịch vụ trồng và chăm sóc cây xanh vào tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước

Tập trung các nhóm dịch vụ: Dịch vụ quản lý công viên, trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, dải phân cách, vòng xoay; Dịch vụ thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng; Dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị; Dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ cho vào "tầm ngắm" kiểm toán đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngoài ra, dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL; các dự án đường ven biển Việt Nam.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu như Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1); Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch.

Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 17 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 7 ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí mua sắm hàng dự trữ quốc gia năm 2020-2021 tại Tổng cục Dự trữ - Bộ Tài chính

Lương Bằng

Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán phải sắc sảo, quyết liệt hơn

Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán phải sắc sảo, quyết liệt hơn

Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Tổng kiểm toán nhà nước về công tác năm 2021.