Đường dây 500 KV từ Bắc chí Nam là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Cho nên, việc bảo vệ an toàn hành lang trên toàn tuyến đường dây là nhiệm vụ không thể lơ là của những người lính truyền tải. Một cây cao su, một gốc hồ tiêu, một vụ đốt nương làm rẫy,... cũng có thể khiến an toàn đường dây bị đe dọa.

Bức ảnh 'nụ hôn' của hai công nhân ngành điện lay động hàng triệu trái tim

Lời giải cho bài toán nhân lực ngành điện

“Kiểu gì họ cũng sẽ đốt nhưng không để họ đốt dưới đường dây”

Khoảng 14h19 ngày 22/5/2013, sự cố đứt đường dây tải điện 500 KV đã khiến cho các tỉnh miền Nam hoàn toàn mất điện. Nguyên nhân chỉ vì một cần cẩu trồng cây dầu trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 KV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định.

Đi dọc từ Gia Lai, Kon Tum, đến Đà Nẵng, phóng viên vẫn nghe những người lính truyền tải điện nhắc nhở nhau câu chuyện ấy trong quá trình “canh giữ” đường dây 500 KV. Bởi những hiểm nguy đe dọa an toàn đường dây vẫn luôn thường trực nếu có phút giây lơ là.

{keywords}
Công nhân ngành điện kiểm tra an toàn hành lang tại những vườn cao su, cà phê... 

Đưa PV đi khảo sát đường dây 500 KV nằm trên địa bàn huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), ông Đỗ Trường Sơn, Truyền tải điện Gia Lai chỉ tay về phía vườn cao su nằm sát đường dây. Bên dưới là bạt ngàn hồ tiêu, cà phê.

Đây là vườn cao su được các hộ dân trồng, khoảng cách tuân thủ an toàn hành lang lưới điện, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đường dây 500 KV. Những thân cây cao su cao hàng mét, tán lá cứ hướng đến đường dây. Vì thế, các công nhân đã phải dùng dây buộc những ngọn cao su có khả năng chạm đến đường dây, níu vào những hàng cao su phía sau để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra.

Ông Đỗ Trường Sơn cho biết: "Địa bàn chúng tôi quản lý đường dây có 1/3 là rừng núi, còn 2/3 thuộc khu dân cư nhưng không đông đúc. Song phức tạp là phía rừng núi người dân rất hay đốt rừng làm rẫy, còn phía dân cư chủ yếu làm rẫy cà phê. Trước họ trồng cà phê thì việc bảo vệ đường dây nhẹ nhàng hơn, nhưng nay cà phê không được tốt thì họ chuyển sang trồng tiêu, chanh dây. Điều này dẫn đến phức tạp là tình trạng nhổ bỏ cà phê, thân to họ mang về làm củi bán, còn cành thì chất luôn rồi đốt".

Ông Sơn kể: “Khi phát hiện ra, chúng tôi phải làm việc với họ. Nếu nhà họ có nhân lực đầy đủ thì bảo họ di dời xa đường dây rồi đốt, còn nếu gia đình họ neo người quá thì công nhân vào hỗ trợ họ xê dịch ra khỏi đường dây. Kiểu gì họ cũng sẽ đốt nhưng không để họ đốt dưới đường dây”.

“Quá trình đốt cà phê, nếu có cơn gió lốc đưa ngọn lửa lên cao sẽ làm nóng chảy dây dẫn. Nguy hiểm nhất là khi họ đốt cà phê tươi. Họ không để khô đâu mà gần khô là đốt. Nguy hiểm nhất là củi tươi, khi đốt bốc hơi nước lên, có nhiều tạp chất, gây phóng điện”, ông Sơn lưu ý.

Vận hành, sửa chữa hệ thống truyền tải điện đường dây 500 KV Mạch I đoạn từ đèo Lò Xo đến trạm biến áp 500 KV Pleiku dài 145 km và đường dây 500 KV Mạch 2 từ VT 01 đến VT 235 dài 102 km,... những công nhân của Truyền tải điện Kon Tum cũng phải "treo mình như người nhện" trên những cột điện cao ngất, rồi căng mình ứng phó với việc đảm bảo an toàn đường dây điện.

{keywords}
Công nhân treo mình trên cột điện để kiểm tra độ an toàn của cột

Ông Trần Hoàng Đạo, Giám đốc Truyền tải điện Kon Tum, cho hay: "Cung đoạn quản lý của chúng tôi thuộc địa phận 2 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum và Gia Lai. Do điều kiện địa hình phức tạp và khí hậu miền núi khắc nghiệt hầu hết các đường dây truyền tải đều đi xa khu dân cư có địa hình hiểm trở, qua nhiều đồi núi. Đặc biệt có đoạn đường dây đi gần biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy đây có thể xem như là cung đoạn quản lý khó khăn nhất của Công ty truyền tải điện 2".

“Dọc hành lang có nhiều cây cao của nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau có nguy cơ ảnh hưởng đến vận hành an toàn lưới điện. Mùa khô thường kéo dài, nhân dân đốt nương làm rẫy dễ cháy rừng, mùa mưa hay gây sạt lở móng cột có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý vận hành đường dây”, ông Đạo nói.

Căng mình bảo vệ đường dây

Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Công nhân truyền tải thường xuyên phải căng mình ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra với hành lang lưới điện như việc đô thị hóa nhanh, việc khai thác đất trái phép gần chân móng. Việc người dân tự ý chuyển đổi canh tác qua trồng các loại cây phát triển nhanh, có lợi về kinh tế như bạch đàn, keo... ngoài hành lang tuyến, có nguy cơ ngã đổ vào dường dây...

Qua 25 năm cống hiến cho ngành truyền tải, ông Nguyễn Khánh Thành, Đội truyền tải điện Cẩm Lệ (Đà Nẵng) chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên phải xuống địa bàn trò chuyện, thuyết phục người dân đảm bảo an toàn hành lang. Nhiều trường hợp họ không muốn gặp công nhân đâu. Họ muốn gặp lãnh đạo cơ".

Ông Thành cũng nhắc đến việc người dân tự ý trồng cây, xây nhà dưới hành lang trong khi công nhân phải căng mình tuần tra, theo dõi. Ngoài ra, còn tình trạng khai thác đất cát để san lấp mặt bằng, trong khi đường dây 500 KV thường nằm trên đỉnh đồi, gây nguy cơ sạt lở cho vị trí xung yếu đường dây 500 KV. “Nếu sự cố xảy ra thì mất không biết bao nhiêu tiền của để khắc phục”, ông Nguyễn Khánh Thành lo lắng.

“Thực sự nhiều vấn đề rất phức tạp trong bảo vệ đường dây, vừa ngăn ngừa vừa phòng vừa chống. Chúng tôi mong chính quyền địa phương giúp đỡ hỗ trợ cho chúng tôi làm tốt nhiệm vụ, nếu không đội khó hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Khánh Thành.

Lãnh đạo Công ty truyền tải điện 2 cho hay: Người làm truyền tải vất vả là chuyện bình thường. Giám đốc còn suýt bị trôi xuống suối năm 1996. Công nhân đi làm có người qua suối bị cuốn đi mất. Công nhân đi làm, không may thủy điện xả lũ, không cẩn thận là bị trôi luôn. Cho nên, chúng tôi thường xuyên phải cảnh giác, cảnh báo, nhắc nhở để đảm bảo an toàn cho anh em. Cũng mừng là đến nay mọi thứ vẫn an toàn tuyệt đối.

Hà Duy