Tại lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 41 và 76 năm thành lập FAO, sáng 15/10, ông Francisco Pichon - Giám đốc Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD), cho biết, đại dịch Covid-19 là thách thức toàn cầu, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống lương thực, thực phẩm, cũng như đợt suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ. 

Những người nông dân vốn đã chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai, nay còn gặp phải khó khăn trong tiêu thụ nông sản sau khi thu hoạch. Trong khi đó, tình trạng nghèo đói gia tăng khiến số lượng người dân thành phố phải sử dụng đến các kho dự trữ lương thực ngày càng tăng, hàng triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Chúng ta cần các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững có khả năng cung cấp cho 10 tỷ người trên thế giới vào năm 2050.

{keywords}
Dịch Covid-19 làm bộc lộ thêm những bất cập trong sản xuất nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu (ảnh: BH)

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, đại dịch Covid-19 làm bộc lộ thêm những bất cập trong sản xuất nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức mới về phát triển bền vững; số người nghèo đói trên thế giới năm 2020 đã tăng lên 9,9%. Vì vậy, đảm bảo tiếp cận được lương thực, thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng đang là vấn đề quan trọng trong ứng phó với đại dịch này, đặc biệt là đối với người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia.

Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Riêng 9 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Doanh, sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống Lương thực thực phẩm khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.

“Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cũng đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả, năng suất, an toàn thực phẩm. Đồng thời, kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản. Cùng với đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững”, ông nhấn mạnh.

Với những định hướng nêu trên, Thứ trưởng Doanh khẳng định ngành nông nghiệp Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng với FAO và các đối tác quốc tế triển khai các mục tiêu của Ngày Lương thực thế giới năm nay, qua đó góp phần đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

T.A

Sẵn kho triệu tấn gạo thịt, triệu quả trứng, dân Hà Nội không tranh mua tích trữ

Sẵn kho triệu tấn gạo thịt, triệu quả trứng, dân Hà Nội không tranh mua tích trữ

Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tăng gấp 3 lần so với bình thường, lên tới hàng triệu tấn gạo, thịt các loại cùng 1 triệu quả trứng gia cầm... Theo Sở Công thương Hà Nội, người dân không cần lo lắng vấn đề thiếu lương thực, thực phẩm.