Đây là một phần của chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm giảm sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và tái xây dựng chuỗi cung ứng tin cậy hơn.

{keywords}
Hãng xe Toyota vẫn quyết định ở lại Trung Quốc và không cắt giảm năng lực sản xuất. Hãng Nidec thì xây thêm nhà máy mới ở Trung Quốc, Ba Lan và Mexico khi dịch diễn ra. Ảnh: Nikkei

Các công ty này sẽ nhận tổng cộng 70 tỉ yen, tương đương 653 triệu đô la. 30 công ty sẽ chuyển đến Đông Nam Á. Trong đó, Hoya chuyên sản xuất phần cứng sẽ chuyển nhà máy sang Việt Nam và Lào; Shin-Etsu Chemical đưa dây chuyền sản xuất nam châm bằng đất hiếm sang Việt Nam; Sumitomo Rubber Industries sẽ sản xuất găng tay latex ở Malaysia…

57 công ty còn lại sẽ đưa nhà máy trở về Nhật Bản. Trong đó 8 công ty ở các lĩnh vực phụ tùng máy bay, xe hơi, dược phẩm… với các tên tuổi lớn như Sharp, Shiongo, Terumo và Kaneka…

Ở lại và kín tiếng…

{keywords}
 Thủ tướng Shinzo Abe: “Các ngành sản xuất phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất và có giá trị chuỗi gia tăng được ưu tiên hỗ trợ quay lại Nhật Bản”. - Ảnh: Reuters

Đi hay ở đã là câu hỏi hóc búa khi Japan Inc. buộc phải rời xa khỏi thị trường khổng lồ của Trung Quốc mà họ quen thuộc nhiều năm. Toyota là một trong những đại công ty tuyên bố “sẽ tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để giữ thị trường cực kỳ quan trọng này”. Hãng xe này đánh giá nếu như di dời dây chuyền sản xuất sang các nước khác, chi phí sẽ rất tốn kém và sản xuất bị gián đoạn, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay sau dịch.

“Chúng tôi không có kế hoạch thay đổi chiến lược tại Trung Quốc hay châu Á vì tình hình hiện nay. Ngành xe hơi sử dụng nhiều nhà cung cấp và vận hành chuỗi cung ứng rộng lớn, nên không thể nói đổi là đổi. Chúng tôi không có kế hoạch thay đổi dù rất hiểu quan điểm của chính phủ”, hãng xe có trụ sở ở tỉnh Aichi nói trong thông cáo báo chí vào giữa tháng 5 vừa rồi.

Thiếu hụt linh kiện, lo lắng sản phẩm bị đánh thuế cao khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa hề giảm nhiệt và kể cả nguy cơ an ninh quốc gia mà chính phủ Nhật Bản cảnh báo… Tất cả các yếu tố này đều bị gạt qua khi các công ty Nhật Bản vẫn còn có thể gặt hái lợi ích ở Trung Quốc.

“Các công ty ở lại sẽ phải rất cẩn trọng trong từng lời nói, nếu họ thật sự không muốn dời sang nước khác. Họ muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ Trung Quốc”, giáo sư Ivan Tselichtchev thuộc Đại học Quản lý Niigata phân tích.

Trở về cố hương

Dứt áo ra đi cũng là quyết định khó khăn sau khi cân nhắc trong im lặng. Phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chọn giải pháp ChinaPlus, tức là vẫn giữ nhà máy hoạt động ở Trung Quốc và xây thêm một nhà máy hỗ trợ hay dự phòng ở Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác.

Hồi tháng 4, chính phủ Nhật Bản dành ra ngân sách đến 240 tỉ yen trong năm tài khóa 2020 để hỗ trợ các công ty dời hãng xưởng ra khỏi Trung Quốc. Số tiền này chưa đầy 1% trong gói hồi phục kinh tế hơn 2.200 tỉ đô la của chính phủ nước này. Trong ngân sách hỗ trợ di dời, 23,5 tỉ yen được dành riêng cho các công ty chọn Đông Nam Á – tức chỉ 10%!

Như vậy, trở về quê nhà là sự lựa chọn rất rõ ràng của các công ty Nhật. Ngoài mối liên hệ văn hóa và ngôn ngữ, sự hỗ trợ lớn chi phí di dời là nguyên nhân mấu chốt: Ngân khoản dành cho “về nhà” dồi dào gấp 9 lần kế hoạch phụ “đi Asean”. Bên cạnh đó là chính sách ưu tiên rất rõ ràng của nội các ông Abe. 

Chính phủ tài trợ 50% chi phí dời hãng xưởng từ Trung Quốc về Nhật Bản. Riêng các hãng sản xuất khẩu trang và nước sát trùng có mức hỗ trợ cao hơn: 2/3 đối với các hãng lớn và đến 75% đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Các sản phẩm phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất và có giá trị gia tăng cao sẽ được ưu tiên di dời về Nhật Bản. Ngay cả khi sản phẩm đó phụ thuộc vào một nước duy nhất và không có giá trị gia tăng cao, việc sản xuất sẽ được chuyển sang các nước Asean”, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh khi công bố chương trình hỗ trợ rời khỏi Trung Quốc.

Đừng về

Cuộc tranh luận đi hay ở của các công ty Nhật đã được thổi vào luồng gió mới khi Chánh văn phòng Nội các

{keywords}
CEO Nidec Shigenobu Magamori: “Trở về Nhật Bản không có nghĩa là nguy cơ giảm đi…”

Yoshihide Suga, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, nhấn mạnh sự cần thiết phải tự chủ hơn.

Trong khi đó, Tiến sỹ John Lee, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Hudson ở Washington, lại khá chừng mực khi viết trên The Diplomat: “Tạm thời chúng ta sẽ không biết chính sách của Nhật Bản là khôn ngoan hay phản tác dụng. Có thể thời điểm này, họ có một số lợi thế”.

Ông Shigenobu Nagamori - chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Nidec – lại là người nghi ngờ các bước đi mà Nhật Bản và các nước khác đang thực hiện.

Từ một xưởng nhỏ thành lập năm 1973, ông Nagomori đã biến Nidec thành hãng sản xuất lớn với doanh số lên đến 14 tỉ đô la mỗi năm. Có trong tay 66 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thành công, tiếng nói của Nagamori càng có sức nặng.

“Đưa các chuỗi cung ứng trở lại quê nhà chỉ làm tăng thêm mối nguy. Tôi đã từng nghĩ mở nhà máy sản xuất ở hơn 40 nước là giảm thiểu nguy cơ, nhưng tôi thất bại trong việc lo chu toàn chuỗi cung ứng phụ tùng. Điều này rất đáng tiếc”, CEO Nidec trả lời Nikkei Asian Review.

Nidec vẫn cho triển khai kế hoạch đầu tư 1,8 tỉ đô la vào các nhà máy mới sản xuất động cơ cho xe điện ở Trung Quốc, Ba Lan và Mexico vào đầu tháng 2 vừa rồi – khi dịch đang lan ở Trung Quốc nhưng chưa chạm đến hai nơi kia. Vị tỉ phú 75 tuổi nói rằng việc rải đều nhà máy sản xuất ở các châu lục khiến giá luôn ổn định và ở mức thấp. “Điều này tăng lợi thế về giá của xe điện Nidec, bên cạnh yếu tố hiểu rõ thị hiếu và xu hướng ở địa phương”, ông nói.

Trung Quốc dẫn dắt kinh tế thế giới trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng trong đợt dịch này  “không có ai đủ khả năng dẫn dắt, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị”. Ông nói các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng, và cần phải luôn nhớ rằng “kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục suy thoái ngay cả khi virus corona đã bị khống chế”.

Ông nói có sự khác biệt rất rõ ràng giữa khủng hoảng Covid-19 lần này so với khủng hoảng tài chính năm 2008. “Lúc đó, dù cho kinh tế bết bát thế nào, ai cũng gắng làm việc vì công ty. Nhưng lần này, bảo vệ bản thân và gia đình mình lại được ưu tiên hàng đầu, kế đến là công ty”, ông Nagamori phát biểu.

(Theo TBKTSG Online)