“Ngân sách sẽ thu được gì khi mất mùa khắp nơi như thế, dân lại phải ăn gạo trợ cấp Chính phủ?. Vấn đề môi trường là sinh tử của xã hội và kinh tế Việt Nam”.

Năm 2016 khó chồng lên khó. Cái khó của năm 2015 và các năm trước dồn cho 2016, cộng thêm vấn đề mới phát sinh như môi trường, hạn hán

Ngày 10/5 Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố báo cáo kinh tế thường niên năm 2016 với chủ đề “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng”.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Việt Nam chỉ có thể vượt mức 6,5% nếu những động lực tăng trưởng có những cải thiện vượt bậc.

{keywords}

TS Nguyễn Đức Thành nhận định: Nếu VN không thay đổi thì nền kinh tế không thể tăng trưởng vượt mục tiêu 6,5%. Những sự thay đổi theo hướng tích cực sẽ tạo ra tăng trưởng cao hơn, nền kinh tế lành mạnh hơn, không phải cưỡng bức tăng trưởng như từng diễn ra.

“Năm 2015 tăng trưởng cao lên thì phải tăng bán dầu thô ngay cả khi giá dầu giảm. Nói vậy để thấy tăng trưởng phải trở nên thực chất hơn”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

Nhận định khả năng đạt tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7% do Chính phủ đặt ra, nhóm tác giả nhận định mục tiêu này nhiều khả năng không thể đạt được.

Theo VEPR, chỉ trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ mới, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư (cả trong khu vực tư nhân lẫn nước ngoài), thì tăng trưởng mới có thể đạt trên 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong năm 2016, khả năng này có lẽ là rất thấp.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đánh giá năm 2016 khó chồng lên khó. Cái khó của năm 2015 và các năm trước dồn cho 2016, cộng thêm vấn đề mới phát sinh như môi trường, hạn hán, yếu tố Trung Quốc…

“Tài chính ngân sách quá khó, căng thẳng kinh khủng. Chính phủ năm nay có lẽ xoay vào tài chính ngân sách là đủ mệt rồi, TS Hồ nói.

TS Phạm Hồng Sơn, hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng: Từ nay trở đi tăng trưởng GDP rất khó có được mức 6,5% khi dầu thô giảm giá, ODA không còn thoải mái, bất động sản khó khăn. Ngân hàng thì còn nguyên đống nợ xấu về bất động sản, nếu không giải quyết được không có vốn cho tăng trưởng. DNNN vẫn ngày càng yếu đi, DN tư nhân lại không bứt lên được. Bối cảnh kinh tế thế giới cũng không mấy tốt đẹp.

“Cả yếu tố bên trong và bên ngoài đều cho thấy khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%. Phải phá vỡ thế bí này thì mới tăng trưởng được. Môi trường nước không trong lành thì cá không sinh sôi được”, TS Phạm Hồng Sơn đúc rút.

Nhìn về năm 2016, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh lại quan ngại hơn về vấn đề biển Đông.

“Việt Nam sẽ phát triển thế nào trong bối cảnh biển Đông hiện nay? Đó là câu hỏi lớn. Khi bàn về kinh tế, chúng ta thường ít nhấn mạnh vấn đề này nhưng thực tế yếu tố này chi phối ghê gớm nền kinh tế”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Vị chuyên gia này cũng lo ngại tình trạng cá chết bất thường, khô hạn, xâm nhập mặn… xuất hiện ở nhiều nơi.

“Ngân sách sẽ thu được gì khi mất mùa khắp nơi như thế, dân lại phải ăn gạo trợ cấp Chính phủ?. Vấn đề môi trường là sinh tử của xã hội và kinh tế Việt Nam”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Hà Duy