Kết quả cho thấy, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại trong sản xuất, kinh doanh than tại các địa phương.

Điển hình như, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: Có sự chồng chéo giữa ranh giới quản lý tài nguyên của một số đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc với mốt số dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh (Dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều; Dự án khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chăn nuôi lợn hướng nạc kết hợp nuôi trồng thủy sản tại phường Mông Dương,... ) gây khó khăn cho hoạt động sản xuất than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

{keywords}
Hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn các tỉnh vẫn còn nhiều sai sót. Ảnh: L.Bằng

Ngoài ra, một số dự án đầu tư thăm dò, xây dựng mỏ mới và cải tạo mở rộng mỏ đang hoạt động của ngành than trong thời gian qua (2016-2018) chưa đạt tiến độ theo Quy hoạch đề ra (chỉ tiêu khối lượng mét khoan thăm dò đạt khoảng 45,6% theo quy hoạch, sản lượng than nguyên khai khai thác hàng năm đạt 80-85%... ).

Tại Hải Phòng, thành phố chưa ban hành quy định về sắp xếp các vị trí bến cảng, kho bãi kinh doanh than (năm 2016 và 2017, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị UBND TP. Hải Phòng về nội dung này); đa số các bãi tập kết, chế biến than có hồ sơ đất đai sử dụng sai mục đích. Một số bãi tập kết, chế biến than chưa có các văn bản về môi trường, phòng chống cháy, nổ của cấp có thẩm quyền chấp thuận/phê duyệt theo quy đinh .

Tại Hải Dương, theo kết quả kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương trong năm 2018: Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh than được kiểm tra chưa cập nhật kịp thời, hiểu rõ và nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh than. Mặc dù tỉnh đã có Quy hoạch mạng lưới kinh doanh than, tuy nhiên công tác kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế...

Báo cáo cũng nêu rõ, tại Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh than. Trong năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 12 vụ vận chuyển than trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 261 triệu đồng, tịch thu khoảng 0,4 tấn than. Công an tỉnh kiểm tra, xử lý 3 vụ vận chuyển than trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 24 triệu đồng.

Đáng chú ý, tại Bắc Giang, trong lần kiểm tra này Đoàn kiểm tra vẫn ghi nhận tỉnh chưa ban hành quy định về sắp xếp các vị trí bến cảng, kho bãi kinh doanh than (Năm 2016 và 2017, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang nội dung này). Ngoài ra, một số doanh nghiệp được kiểm tra như Công ty CP xuất nhập khẩu Minh Thắng Bắc Giang chưa cung cấp được hồ sơ bảo vệ môi trường; Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang chưa hoàn thành một số thủ tục pháp lý liên quan đến thuê đất,...

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, về mặt chủ quan được Đoàn kiểm tra nhìn nhận là do sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong kiểm tra, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh than chưa đồng bộ, thường xuyên và liên tục.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp quản lý địa điểm kinh doanh than, hệ thống bến cảng, kho bãi thiếu chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến phát triển các bến xuất nhận than, kho bãi chứa than quá nhiều, không tuân thủ theo quy định (tỉnh Hải Dương) hoặc địa phương có hoạt động kinh doanh than nhưng chưa ban hành quy định về quản lý bến cảng, kho bãi kinh doanh than (tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, TP. Hải Phòng),...

Ở góc độ khách quan, theo Đoàn kiểm tra, nhu cầu sử dụng than trong nước biến động không theo dự báo. Một số thời điểm ngành than gặp khó khăn do cạnh tranh với than nhập khẩu, tồn kho cao, ngành than phải cắt giảm đầu tư, giảm sản lượng khai thác để giảm tồn kho và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh chung. Ngoài ra, lợi nhuận bất chính thu được từ hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép lớn; chế tài xử lý hành vi khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép chưa đủ tính răn đe,...

Lương Bằng