Người nông dân cũng vậy, rất giỏi. Tôi đến Chi Lăng (Lạng Sơn) thấy người nông dân thụ phấn 100% cho số bông hoa của cây na. Hỏi muốn quả na 5 lạng hay 8 lạng, nông dân trả lời chúng tôi chăm đúng kiểu để cho ra sản phẩm như thế”.

Đó là những dẫn chứng của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường để thấy được những tiềm năng, khát vọng của con người Việt Nam trong phát triển nông nghiệp.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018 ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD. Nông sản Việt xuất khẩu được đi 185 nước trên thế giới, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người nông dân. 

{keywords}
Nông sản xuất khẩu được dự báo sẽ khó khăn trong năm 2019.

Trong năm 2019, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ gặp một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo đó, nông nghiệp Việt chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh,... ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm; các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp nên nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Doanh nhân, nông dân rất giỏi... nên sẽ làm được

Song, Bộ trưởng cũng cho rằng vẫn có nhiều yếu tố nền tảng giúp cho ngành nông nghiệp có thể phát triển. Thứ nhất là dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng, như số liệu dự báo đến năm 2050 dân số thế giới sẽ đạt đến con số 9,6 tỷ người. Kéo theo đó, nền kinh tế thế giới cũng tiếp tục phát triển, thu nhập của người dân tăng. Theo bộ trưởng, khi ấy nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao.

“Con số 2.000 tỷ USD giá trị thương mại toàn câu sẽ tăng lên. Người dân cứ trích 15% thu nhập cho cái ăn, cái uống thì đây là cơ hội tốt để tìm kiếm thị trường. Ngoài ra, khi dân số ở đô thị ngày một tăng, tiến tới 70%, cơ hội cho những người sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng nhiều hơn”, Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Nền tảng thứ 2 theo Bộ trưởng chính là nội hàm Việt Nam. Việt Nam tiếp tục có cơ hội tham gia chuỗi nông sản toàn cầu, điều này được minh chứng bằng những kết quả đạt được trong những năm qua. Ví như chúng ta vẫn có từng đó đất nhưng không chỉ sản xuất đủ ăn mà còn có thể làm ra hàng hoá để xuất khẩu.

Điều kiện tự nhiên, sự đa dạng sinh học và vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương của Việt Nam cũng là những bước đệm quan trọng. Song Bộ trưởng cho rằng yếu tố con người vẫn là then chốt nhất. 

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải nắm bắt xu hướng thị trường, tập trung làm các mặt hàng nông sản mà thị trường cần.

Song, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, muốn sản phẩm nông nghiệp bán được ra thị trường thế giới còn rất nhiều khó khăn cần phải khắc phục.

Theo Bộ trưởng, bán cho thị trường thế giới không phải chuyện đơn giản. Tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc,... cùng một lúc cần từng ấy thứ chứ không cho chúng ta thời gian làm từng việc một. Do đó, phải có sự đồng bộ của tất cả các ngành chứ không phải việc riêng của một ngành nào.

Bộ trưởng yêu cầu: “Cần xác định thị trường cần gì. Chứ Việt Nam mà đi trồng táo xuất sang châu Âu thì hỏng rồi. Bên cạnh đó cũng phải xác định được sản phẩm nông sản nào là lợi thế còn không thì đừng làm”.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh cần phải chú ý đến xu hướng thị trường. Thế giới xu hướng cần nhiều thuỷ sản thì phải tập trung làm chuẩn mặt hàng này để xuất khẩu. Thị trường cần nhiều rau quả thì phải sản xuất tăng những mặt hàng này lên, chú trọng trồng rau quả.

"Phải lấy nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu làm trọng. Ví dụ, Đồng bằng Sông Cửu Long ngập mặn thì cần gì phải trồng lúa, ta quay sang nuôi thuỷ sản. Vùng Ninh Thuận thì phải trồng táo gió mới ngon”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, làm gì cũng phải ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất tới khâu bán hàng. Bởi, bây giờ làm nông nghiệp mà không ứng dụng khoa học công nghệ, không có tổ chức quản trị, không có tiếp thị, marketing thì chỉ có “sập tiệm”.

“Khó như vậy chúng ta có làm được không? Phải khẳng định là sẽ làm được. Trước đây chúng ta khó khăn hơn nhiều mà còn làm được để có thành tựu như bây giờ. Tôi có niềm tin. Nhưng trong quá trình làm chúng ta phải có sự đồng bộ, Bộ NN-PTNT sẽ cố gắng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Bảo Hân