Trong khi nhiệt điện đối diện khả năng thiếu than thì điện mặt trời được xem như là sự bổ sung hợp lý, nhất là khi đây là nguồn năng lượng sạch, được khuyến khích đầu tư. Với mức giá đầy hấp dẫn, hàng loạt nhà đầu tư trong nước đã xếp hàng làm điện mặt trời. Thế nhưng, “lộc trời” ấy không dễ hưởng.

EVN thực chất đang lỗ, lại tăng giá điện

Bất ngờ thiếu than, cả nước lo mất điện

Ùn ùn làm điện mặt trời

Vào năm 2015 cả nước mới chỉ có 3,5 MW điện mặt trời. Tính đến đầu 2017, lượng điện mặt trời cũng cực kỳ nhỏ bé.

Thế nhưng, sức nóng của điện mặt trời bắt đầu “bùng nổ” khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời vào tháng 4/2017. Lý do là mức giá điện rất hấp dẫn, lên tới 9,35 UScent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh - giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) và kéo dài tới 20 năm.

{keywords}
Một dự án điện mặt trời vừa được khánh thành tại Gia Lai.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ tháng 4/2017 đến tháng 9/2018, có 121 dự án đã phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất là trên 9,2 nghìn MW. Còn 211 dự án chưa phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất là 16,8 nghìn MW. Các dự án tập trung ở Miền Trung và miền Nam - nơi được đánh giá là có tiềm năng lớn về điện mặt trời, với lượng bức xạ từ 4,2-4,8 kWh/m2/ngày.

Như vậy, tổng số dự án đang xếp hàng để triển khai là 332 dự án với tổng công suất lên đến hơn 26,2 nghìn MW, bằng một nửa tổng công suất điện cả nước hiện nay (46 nghìn MW).

Phải nói thêm rằng, để có được công suất nguồn điện cả nước là 46.000 MW thì Việt Nam đã phải mất tới hơn... 60 năm. Điều đó cho thấy sức nóng của điện mặt trời đang ở cấp độ nào.

Mức giá điện mặt trời 9,35 UScent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh - được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) là mức giá khá cao nếu so với các nguồn điện khác và được kéo dài tới 20 năm. Cụ thể, giá bán điện than 1.591,7 đồng/kWh, điện khí 1.205,9 đồng/kWh; thủy điện 888,5 đồng/kWh. So với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mà ngành điện đang bán ở mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh, có thể thấy ngay hiệu quả nếu dự án “xuôi chèo mát mái”.

Nhưng mức giá này nhà đầu tư chỉ được hưởng nếu dự án đi vào vận hành thương mại trước 30/6/2019. Do đó, nếu chậm chân trong việc làm thủ tục phê duyệt dự án, rồi triển khai trên thực tế, nhà đầu tư sẽ bị lỡ tàu. Bởi giá điện mặt trời sau tháng 6/2019 vẫn là “ẩn số”.

Tính đến 15/11/2018, mới có hai dự án điện mặt trời vận hành thương mại. Như vậy, nếu không gấp rút làm thủ tục và triển khai, rất nhiều nhà đầu tư sẽ phải ngậm ngùi nhìn con tàu chở những nhà đầu tư điện mặt trời được hưởng giá 9,35 cent/kWh đi xa. Thủ tục và mặt bằng sẽ là hai chốt chặn mà nhà đầu tư phải vượt qua, còn thời gian lắp ráp nhà máy điện mặt trời lại khá nhanh chóng (một dự án 100 MW thì chỉ mất 5-6 tháng).

Quá tải hệ thống truyền tải điện

Trong trường hợp các nhà đầu tư được bổ sung dự án vào quy hoạch và vận hành đúng thời hạn, thì một rủi ro khác nhà đầu tư phải đối mặt. Đó chính là tình trạng quá tải hệ thống truyền tải.

{keywords}
Hệ thống truyền tải điện trước nỗi lo quá tải khi bùng nổ điện mặt trời.

Tổng sơ đồ điện 7 và Tổng sơ đồ điện 7 điều chỉnh khi phê duyệt (tháng 7/2011 và tháng 3/2016) chưa tính tới sự xuất hiện của các nhà máy điện mặt trời cụ thể, mà chỉ mới đưa vào ước lượng tương lai sẽ huy động được mức công suất này từ năng lượng tái tạo.

Thế nên, theo ông Đinh Quang Tri, quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các dự án điện mặt trời tạo ra thách thức cho công tác truyền tải.

Điện mặt trời tập trung ở miền Trung nhiều, nơi có ngày nắng cao hơn nơi khác, đặc biệt so với miền Bắc gấp 1,5 lần. Cho nên, các nhà đầu tư tập trung lắp đặt ở miền Trung (điển hình là Ninh Thuận, Bình Thuận), gây quá tải lưới điện khu vực này. Trong khi đó, hệ thống truyền tải ở đây khá yếu do nhu cầu điện ở miền Trung thấp hơn các vùng khác. Điều này không khác gì một sân bóng đá có sức chứa 40 nghìn khán giả mà lại bán vé cho 60 nghìn khán giả.

“Giờ đùng một cái hàng nghìn Mê-ga-oát điện mặt trời vào thì không tải được. Cho nên chúng tôi đề nghị bổ sung quy hoạch làm thêm đường dây. Dẫu vậy, thủ tục rất chậm, giải phóng mặt bằng chậm, cho nên không thể làm nhanh để kịp tải điện từ các nhà máy điện mặt trời. Đó là khó khăn thách thức rất lớn”, ông Đinh Quang Tri thừa nhận.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực lo ngại, nếu không mua điện mặt trời thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện. Còn nếu hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư rồi hệ thống không tải hết sẽ có thể sinh ra mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và EVN.

“Hiện chúng tôi chỉ đạo tất cả hệ thống lưới điện công khai. Chỗ nào quá tải thì thôi không làm, chỗ nào còn thì đầu tư và đấu nối vào”, ông Đinh Quang Tri cho biết.

Thực tế, mới đây EVN đã công bố kết quả tính toán khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời (lập tháng 11/2018). Trong đó, có nêu rõ các đường dây 500/220/110 KV đầy tải, quá tải với hàng chục đường dây thuộc diện này. Nếu tình trạng quá tải xảy ra, chủ đầu tư điện mặt trời có thể đối mặt nguy cơ phải giảm hoặc dừng phát điện lên lưới.

Đây cũng là rủi ro rất lớn ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của các dự án điện mặt trời, nhất là khi nhiều nhà đầu tư phải dựa vào lãi suất vay vốn ngân hàng.

Vì thế, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý trước cơn hưng phấn điện mặt trời đang ở giờ cao điểm, bởi “miếng bánh” điện mặt trời dù ngon nghẻ cũng không dễ nuốt.

 Lương Bằng 

150 tỷ USD chống thiếu điện: Tiền đâu bây giờ?

150 tỷ USD chống thiếu điện: Tiền đâu bây giờ?

Ngành điện đã đầu tư 80 tỷ USD vào phát điện, truyền tải và phân phối. Từ nay đến năm 2030 ngành điện sẽ cần huy động khoảng 150 tỷ USD nữa.