Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên thực hiện Cổ phần hóa (CPH) Công ty TNHH MTV Thoát nước & Phát triển hạ tầng đô thị theo hướng nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Đến 23/1/2017, Quyết định số 218 phê duyệt giá trị DN với giá trị thực tế để cổ phần hóa trên 764 tỉ đồng trong đó giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trên 21 tỉ đồng.

Trong đó, tài sản lớn nhất của DN nằm trong hệ thống xử lý nước thải mà DN đang vận hành. Cụ thể, từ 10/2012, Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên được triển khai với tổng mức đầu tư trên 950 tỷ đồng. Dự án do BQL dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên làm chủ đầu tư  và sau này là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị đầu tư và quản lý vận hành

Ngày 5/4/2017, phương án CPH doanh nghiệp với vốn điều lệ 20 tỉ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 49% và bán cho “nhà đầu tư chiến lược” 20% được thông qua.

Đến 13/7/2017, Thái Nguyên quyết định phê duyệt điều chỉnh phương thức và kế hoạch cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị. Theo đó, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (khoảng 20 tỉ đồng).

{keywords}
 

Với phương án này, DN sau CPH có số vốn chỉ vài chục tỷ nhưng đang nắm giữ khối tài sản lớn hàng trăm tỷ đồng.

Một trường hợp khác là của Công ty CP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội (Havisco). Tháng 3/2019, 1.8 triệu cổ Havisco được đấu giá với giá khởi điểm cho quyền mua 1 cổ phần là 700 đồng nhưng được một nhà đầu tư trả giá cao gấp 16 lần so với mức giá khởi điểm để dành quyền mua cổ phần phát hành thêm của công ty này.

Sau khi mua thành công, nhà đầu tư tiếp tục bỏ thêm gần 20 tỉ đồng mua cổ phần chính thức. Tổng thương vụ đầu tư vào Công ty CP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội của nhà đầu tư này là gần 40 tỉ đồng.

Mặc dù nhà đầu tư rất quyết liệt nhưng kết quả kinh doanh Havisco trong những năm gần đây không mấy khả quan, với số lỗ lũy kế lên tới 6 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2018). Trong đó, 6 tháng đầu năm 2018, Havisco đã lỗ tới 1,4 tỷ đồng.

Thậm chí, vốn của Havisco ghi nhận sự giảm mạnh vào trong giai đoạn 2016 - 2017 từ mức 30,9 tỷ đồng xuống 19,38 tỷ đồng (-37,28%). Xu hướng này vẫn tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2018 với tổng giá trị tài sản giảm xuống ở mức 17,8 tỷ đồng.

Tuy vậy, điểm tiềm năng được giới phân tích đánh giá cao là Havisco lại đang sử dụng nhiều đất vàng ở trung tâm Hà Nội. Ngoài trụ sở có diện tích 290 m2 tại phố Hàng Dầu (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), Havisco còn sở hữu cơ sở ở số 61 Đinh Tiên Hoàng (59,5 m2); Tầng 1 số 39 phố Đinh Tiên Hoàng (29,5 m2); số 51 ngõ Nguyễn Thái Học (55,4 m2); E1 Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (121 m2)…

Mới đây, 1 DN có vốn chỉ 2 tỷ đồng như ng có giá chào sàn cao kỷ lục chứng khoán Việt Nam. Nguyên nhân là do DN này nắm giữ tài sản lớn là mảnh đất vàng ở Hà Nội.

Đó là Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê (IPH) khi đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Upcom với mức giá khởi điểm cao kỷ lục: 411.000 đồng/cp cao gấp 15 lần giá khởi điểm. DN này có vốn 2.05 tỷ đồng nhưng đang sử dụng mảnh đất vàng gần 900 m2 ở Hà Nội.

Được biết, nhà đầu tư đầu tư vào Công ty Thoát nước & Phát triển hạ tầng đô thị  Thái Nguyên và Havisco là Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Đông Á.

Trong quá trình CPH Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị, ngày 13/7/2017, tỉnh Thái Nguyên ra quyết định điều chỉnh phương án CPH nắm giữ dưới 50% vốn Nhà nước nhưng trước đó gần 3 tháng, ngày 24/4/2017, Tập đoàn Quốc tế Đông Á đã có công văn đề nghị cho DN được mua cổ phần với tỉ lệ tối thiểu 51%.

Trong văn bản giới thiệu năng lực của mình,  Tập đoàn Quốc tế Đông Á giới thiệu là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đã thực hiện nhiều công trình lớn có giá trị hợp đồng từ vài trăm đến hàng ngàn tỉ đồng, như cầu Bình Than vượt sông Đuống (tỉnh Bắc Ninh), cầu Tuần Quán vượt sông Hồng tỉnh Yên Bái, cầu Dinh Ông vượt sông Ba tỉnh Phú Yên...

Trên thực tế, dự án cầu Bình Than mà đơn vị này tham gia đã bị Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh ra quyết định thu hồi nhiều khoản tiền lớn do chi sai, không hợp lý để tránh thất thoát lãng phí.

Dự án xây dựng cầu Tuần Quán bắc qua sông Hồng, được khởi công từ tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 12 thuộc dự án trên có tổng giá trị 323 tỷ đồng, được giao cho Tập đoàn Quốc tế Đông Á là nhà thầu chính.

Sau khi ký hợp đồng với đại diện chủ đầu tư, ngày 2/8/2015, Tập đoàn Quốc tế Đông Á đã ký HĐ giao khoán với Cty CP Xây dựng Thương mại Bắc Dương (Cty Bắc Dương) với tổng giá trị hợp đồng hai bên ký gần 164 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng giá trị gói thầu số 12.

Trong phụ lục hợp đồng nói trên, Cty Bắc Dương “cam kết sẽ chiết khấu lại cho Tập đoàn Quốc tế Đông Á bằng 18% giá trị hợp đồng theo đơn giá trúng thầu. Tập đoàn Quốc tế Đông Á có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Bắc Dương giá trị khối lượng thanh toán bằng 62% đơn giá trúng thầu với chủ đầu tư”.

Thái Bình