So với các nước trong khu vực, mảng bất động sản giải trí của Việt Nam vẫn đang thiếu. Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nguồn cung về bất động sản giải trí cũng chưa thực sự đa dạng.

Hầu hết các khu vui chơi giải trí truyền thống như công viên, các khu vui chơi ngoài trời hay các trung tâm thương mại cũng chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân. Trong khi đó, nhu cầu về mua sắm, tiện tích và giải trí vẫn còn rất hạn chế.

Với sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch, bất động sản giải trí đang có rất nhiều lợi thế để phát triển. Với nguồn cầu ngày càng lớn trong khi nguồn cung đang rất hạn hẹp như hiện nay, bất động sản giải trí còn rất nhiều dư địa để các nhà đầu tư sinh lời.

{keywords}

Tờ Nikkei dẫn báo cáo của Sanrio cho thấy, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang ngày càng đông đảo. Đây là nhóm người sẵn sàng chi tiền nhiều cho các hoạt động giải trí. Ngoài ra, mỗi năm có 5 triệu người Việt Nam du lịch nước ngoài. Thế nhưng, Việt Nam lại chưa có những công viên giải trí hàng đầu thế giới như của Disneyland hay Universal Studios.

Theo Hiệp hội lữ hành Việt Nam, hàng năm có khoảng 10 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 6 tỷ USD. Lượng tiền tính bằng tỷ USD mà người Việt tiêu dùng ở nước ngoài có một phần lý do bắt nguồn từ việc các khu du lịch, khu vui chơi - giải trí trong nước không có đủ sức hấp dẫn với người dân.

Sau khoảng 1,5 năm công bố dự án, tập đoàn BRG mới đây cho biết sắp xây dựng công viên Hello Kitty Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, trước thời điểm diễn ra SEA Games 31. Dự án thuộc tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga hợp tác cùng tập đoàn Sanrio Nhật Bản. Sanrio là doanh nghiệp hiện sở hữu thương hiệu Hello Kitty.

Đại diện BRG cho hay, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam và Hà Nội xuất hiện một công viên vui chơi giải trí theo chủ đề trong nhà với quy mô lớn nên các cơ quan chức năng cũng cần nhiều thời gian để xem xét và phê duyệt hơn các công viên tiêu chuẩn khác.

{keywords}

Trong lĩnh vực này, Sun Group đang đi đầu khi đã chính thức triển khai dự án công viên Kim Quy tại Đông Anh, Hà Nội. Sun Group hiện là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch - giải trí tại Việt Nam, với nhiều công trình như: Bà Nà Hills, Asia Park, Sun, World Ha Long Park hay hệ thống cáp treo và quần thể khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm (Phú Quốc)...

Tập đoàn Vingroup cũng gây ấn tượng với hệ thống gồm Vinpearl (Nha Trang, Khánh Hòa), Vinpearl Safari Phú Quốc (Kiên Giang),... Hệ thống vui chơi giải trí tại Vinpearl vẫn đang được nâng tầm toàn diện, sánh ngang với các khu vui chơi giải trí cao cấp trên thế giới.

Siêu dự án Cocobay Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Empire xuất hiện vào giữa tháng 6/2016 đã mang đến “làn gió mới” cho thị trường bất động sản Đà Nẵng với mô hình bất động sản đậm chất giải trí.

Nhận định về tiềm năng của thị trường này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ trong vòng khoảng 10-20 năm tiếp theo, các vị trí thuận lợi này sẽ hết, việc tìm kiếm vị trí để phát triển các dự án này cũng hạn chế hơn. Giá các BĐS này đã hình thành do tính khan hiếm của nó. Như vậy, các nhà đầu tư thứ cấp còn được một nguồn lợi nhuận nữa do tính khan hiếm của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí mà mình có.

Theo ông Võ, vấn đề là có đủ nhà đầu tư có tiềm năng tài chính cao để cho "gã khổng lồ" tỉnh giấc hay không. Việc phát triển các dự án đòi hỏi nhà đầu tư có tiềm năng tài chính cao, có kinh nghiệm quản lý dự án, có trình độ phát triển khoa học công nghệ mới đảm bảo triển khai.

Nam Hải