Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành một khối lượng đề án rất lớn, có tầm chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong năm 2018, Ban đã chủ trì xây dựng và hoàn thành 7 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị họp thông qua và ban hành nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị; 3 đề án đã có sản phẩm gửi báo cáo Bộ Chính trị để bố trí họp vào quý 1/2019).

Trên cơ sở các đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và về phát triển kinh tế tư nhân.

{keywords}
ồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư 

Bên cạnh đó, một số đề án quan trọng khác do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cũng đã trình Bộ Chính trị để ban hành các nghị quyết có tầm chiến lược, điển hình như Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Kinh tế Trung ương cũng đã chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Bộ Chính trị nhiều đề án về phát triển kinh tế địa phương, tiêu biểu là hoàn thành và trình Bộ Chính trị ban hành 2 nghị quyết về phát triển thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như tích cực tham gia thẩm định các đề án về phát triển Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ban đã hoàn thành tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với 129 đề án, dự án, tờ trình về kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật. Đối với nhiều đề án lớn, Ban Kinh tế Trung ương đã có sự chủ động tham gia ngay từ đầu với các cơ quan chủ đề án, dự án, sớm tham gia đóng góp và cộng đồng trí tuệ nên ý kiến thẩm định có chất lượng ngày càng tốt hơn.

Trong năm 2018, Ban đã chủ động triển khai việc giám sát thực hiện 3 nghị quyết quan trọng về kinh tế của Hội nghị Trung ương khóa XII. Qua giám sát, Ban Kinh tế Trung ương đã phát hiện nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, đồng thời đề xuất một số giải pháp với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các địa phương kèm theo hàng trăm kiến nghị qua giám sát để gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý, tháo gỡ khó khăn để các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế.

Năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp tổ chức 24 diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, trong đó có 4 hội thảo, tọa đàm quốc tế  trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn, các xu hướng và triển vọng phát triển, các chủ trương, cơ chế, chính sách về đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội để phục vụ cho công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, xã hội.

Việc Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức thành công 4 diễn đàn, hội nghị lớn tầm quốc gia và quốc tế được xã hội hết sức quan tâm và đánh giá cao, như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Những nút thắt và động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững”; Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0; Hội thảo và triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

{keywords}
 Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá, trong năm qua, Ban Kinh tế TW đã có nhiều đổi mới và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về nhiệm vụ 2019, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, các vấn đề xã hội gắn với kinh tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2018.

“Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự trở thành một trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong nước và ngoài nước để đóng góp cho sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở đó phát hiện, đề xuất các nhiệm vụ đột xuất, thực sự cấp thiết, có ý nghĩa đối với đất nước và phục vụ xây dựng các văn kiện của Đại hội Đảng XIII, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Các nghiên cứu của Ban phải rút ra được những bài học mới, đề xuất được chủ trương, chính sách mới để chuẩn bị cho văn kiện Đại hội” – đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ.

PV